Bộ Quốc phòng phê duyệt đề án đẩy mạnh cải cách hành chính trong toàn quân
70% số cuộc họp thường xuyên tại các cơ quan, đơn vị tại Bộ Quốc phòng sẽ được tổ chức trực tuyến và ứng dụng họp không giấy, theo Đề án đẩy mạnh cải cách hành chính của Bộ Quốc phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng vừa ký Quyết định số 566/QĐ-BQP phê duyệt Đề án đẩy mạnh cải cách hành chính của Bộ Quốc phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Đề án).
Theo báo cáo của Văn phòng Bộ Quốc phòng – Cơ quan Thường trực BCĐ cải cách hành chính và chính phủ điện tử Bộ Quốc phòng, sau khi có chủ trương xây dựng Đề án, BCĐ đã trình Thủ trưởng Bộ Quốc phòng thành lập Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập Đề án, ban hành quy chế làm việc của Ban Soạn thảo. Ban Soạn thảo cũng đã ban hành kế hoạch triển khai nhiệm vụ, trong đó giao các cơ quan chức năng chủ trì biên soạn các tiểu đề án làm cơ sở xây dựng đề án.
Trên cơ sở nghiên cứu chủ trương, đường lối của Đảng, Quân ủy Trung ương và văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng đối với công tác cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử, Văn phòng Bộ Quốc phòng đã nghiên cứu biên soạn đề án; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan biên soạn tiểu đề án, thường xuyên đôn đốc việc triển khai các nội dung theo kế hoạch; nghiên cứu, dự thảo đề án tổng hợp; tổ chức xin ý kiến tham gia dự thảo đề cương, đề án. Đề án nhằm tiếp tục xây dựng nền hành chính trong Bộ Quốc phòng dân chủ, chuyên nghiệp, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu về cải cách hành chính nhà nước, cải cách hành chính đối với xây dựng quân đội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Dự thảo kết cấu đề án có kết cấu gồm 4 phần, có nội dung, nhiệm vụ được thể hiện đầy đủ trong 7 tiểu đề án. Đề án xác định rõ một số giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy cải cách hành chính trong từng giai đoạn, với mục tiêu chung là tiếp tục xây dựng, đổi mới nền hành chính trong Bộ Quốc phòng dân chủ, chuyên nghiệp, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phù hợp với quan điểm, đường lối của Đảng và chủ trương của Quân ủy Trung ương về cải cách hành chính đối với xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo; đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trên 6 nội dung cải cách hành chính Nhà nước.
Một số mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025 sẽ hoàn thiện thể chế về quá trình chuyển đổi số, phục vụ có hiệu quả việc xây dựng, phát triển Chính phủ số trong Bộ Quốc phòng; 100% cơ sở dữ liệu dùng chung của Bộ Quốc phòng được hoàn thành và kết nối, chia sẻ theo quy định; 100% các cơ quan, đơn vị sử dụng phần mềm họp trực tuyến; tất cả cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng sử dụng chữ ký số trong gửi, nhận văn bản điện tử; 70% số cuộc họp thường xuyên tại các cơ quan, đơn vị này được tổ chức trực tuyến và ứng dụng họp không giấy…
Ý kiến ()