Bộ Quốc phòng Nhật Bản đề xuất mức ngân sách quốc phòng kỷ lục
Ngày 31/8, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đề xuất ngân sách quốc phòng 5.260 tỷ yen (tương đương 47,9 tỷ USD) cho tài khóa 2018 (từ tháng 4/2018) - mức ngân sách lớn nhất từ trước tới nay, trong bối cảnh Triều Tiên vừa phóng một tên lửa đạn đạo bay qua lãnh thổ Nhật Bản.
Mức đề xuất trên tăng 2,5% so với ngân sách ban đầu 5.130 tỷ yen của tài khóa hiện tại (tính đến hết tháng 3/2018). Nếu được thông qua, đây sẽ là năm thứ 5 liên tiếp Nhật Bản tăng ngân sách quốc phòng.
Đề xuất của Bộ Quốc phòng Nhật Bản nêu rõ mục đích tăng cường năng lực phòng thủ tên lửa của nước này. Theo đó sẽ triển khai một hệ thống lá chắn tên lửa mới, có thể là hệ thống Aegis đặt trên bờ biển để bổ sung cho hệ thống trên biển.
Ngoài ra, Bộ trên dự kiến dùng 47,2 tỷ yen và 20,5 tỷ yen để cải thiện hai hệ thống đánh chặn tên lửa là SM-3 Block 2A và PAC-3 MSE. Khoảng 10,7 tỷ yen sẽ được dùng để nâng cấp hệ thống kiểm soát và chỉ huy phòng không của Nhật Bản để đề phòng các cuộc tấn công tên lửa; 19,6 tỷ yen để phát triển một hệ thống radar mới nhằm cải thiện hệ thống phát hiện và theo dõi các tên lửa đạn đạo.
Với kế hoạch triển khai các đơn vị của Lực lượng Phòng vệ mặt đất (GSDF) để bảo vệ các đảo xa, Bộ Quốc phòng Nhật Bản dự kiến sử dụng 55,2 tỷ yen cho việc xây dựng doanh trại và các cơ sở quân sự trên các đảo Miyako và Amami-Oshima nằm phía Tây Nam và Đông Bắc đảo Okinawa.
Ngoài ra, khoảng 10 tỷ yen sẽ được dùng để nghiên cứu các công nghệ chế tạo các loại bom tốc độ cao. Khoảng 7,7 tỷ yen được dành cho việc nghiên cứu các tên lửa chống tàu và cũng nhằm bảo vệ các đảo. Đề xuất ngân sách cũng dành 88,1 tỷ yen để mua sáu chiếc máy bay F-35, và 45,7 tỷ yen để mua bốn máy bay vận tải Osprey.
Đề xuất ngân sách cao kỷ lục này được Bộ Quốc phòng Nhật Bản đưa ra chỉ hai ngày sau khi Triều Tiên bắn tên lửa bay qua lãnh thổ Nhật Bản và rơi xuống Thái Bình Dương. Tình hình căng thẳng ở khu vực Đông Bắc Á liên tục leo thang trong nhiều tháng qua với những lần bắn thử tên lửa của Triều Tiên, những tuyên bố đe dọa qua lại giữa Washington và Bình Nhưỡng, việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc…
Trong bối cảnh trên, ngày 18/7 vừa qua, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng cam kết tăng ngân sách quốc phòng của nước này từ mức 2,4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hiện nay lên 2,9% trong vòng 5 năm tới. Theo đó, ngân sách quốc phòng của Hàn Quốc sẽ tăng từ mức khoảng 40.300 tỷ won (35,9 tỷ USD) hiện nay lên tới 50.000 tỷ won vào năm 2022./.
Theo VietnamPlus
Ý kiến ()