Bổ nhiệm, luân chuyển lãnh đạo các trường học cấp huyện: Bất cập giữa chính sách và thực tiễn
LSO- Ai là người được giao thẩm quyền bổ nhiệm và luân chuyển lãnh đạo các trường học do UBND cấp huyện quản lý? Là Chủ tịch UBND hay Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) cấp huyện? Thắc mắc này bắt nguồn từ quy định chưa sát với thực tiễn của Nghị định 115/2010/NĐ-CP.
Từ chính sách
Năm 2004, Chính phủ ban hành Nghị quyết 08/2004/NĐ-CP về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Căn cứ Nghị quyết này và các văn bản khác, năm 2008, UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành Quyết định 25/2008/QĐ-UBND quy định về phân công, phân cấp quản lý tổ chức bộ máy, biên chế và cán bộ, công chức, viên chức (CCVC).
Theo đó, việc bổ nhiệm, luân chuyển đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp trực thuộc thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện.
Tuy nhiên, theo Nghị định 115/2010/NĐ-CP quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục thì tại Khoản 5, Điều 9, thẩm quyền bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ thuộc trách nhiệm của Phòng GD-ĐT cấp huyện.
Thông tư liên tịch số 47/2011/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện quy định tại Nghị định 115 thì lại nêu Phòng GD-ĐT cấp huyện được quyền quyết định bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ lãnh đạo các trường học khi được ủy quyền của UBND cấp huyện.
Vậy là từ các quy định này, việc bổ nhiệm, luân chuyển lãnh đạo các trường học cấp huyện có nhiều cách hiểu khác nhau. Có nơi hiểu đó là thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện. Cũng có nơi hiểu đó là thẩm quyền của Phòng GD-ĐT cấp huyện. Có địa phương sẽ hiểu Phòng GD-ĐT được bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ khi được ủy quyền của UBND cấp huyện.
Giáo viên và học sinh Trường Mầm non Gia Miễn, huyện Văn Lãng
Đến thực tiễn
Nghị định 115 đã có hiệu lực thi hành hơn 4 năm nhưng tại Lạng Sơn chưa có huyện, thành phố nào áp dụng thực hiện theo Khoản 5, Điều 9.
Ông Nguyễn Khắc Phương, Trưởng phòng CCVC, Sở Nội vụ Lạng Sơn cho biết: không riêng Lạng Sơn, hiện tại chưa có tỉnh, thành nào trong cả nước áp dụng được quy định này. Nguyên nhân là do quy định hoàn toàn không phù hợp với thực tế. Bởi thực chất, chức năng, nhiệm vụ của Phòng GD-ĐT cấp huyện là tham mưu, giúp UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác GD-ĐT (quy định tại Nghị định 37/2014/NĐ-CP) chứ không có trách nhiệm bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ.
Cùng quan điểm này, ông Lê Xuân Trường, Trưởng phòng Nội vụ huyện Văn Quan cho rằng: việc Phòng GD-ĐT cấp huyện được quyền quyết định bổ nhiệm, luân chuyển lãnh đạo các đơn vị trường học theo Nghị định 115 là chưa đúng với nhiều quy định về phân công, phân cấp quản lý tổ chức bộ máy, biên chế và cán bộ, CCVC. Nếu cơ quan chuyên môn cấp huyện nào cũng được quyền quyết định bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ thì sẽ xảy ra tình trạng “trăm hoa đua nở” trong công tác quản lý cán bộ.
Để công tác này không vướng hay bị đảo lộn, bên cạnh việc xin ý kiến chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Nội vụ thì Sở Nội vụ Lạng Sơn đã hướng dẫn các huyện, thành phố thực hiện bổ nhiệm, luân chuyển lãnh đạo các trường học trên địa bàn theo Quyết định 25/2008/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lạng Sơn và Nghị định 37/2014/NĐ-CP. Do đó đến nay, chủ tịch 11/11 huyện, thành phố vẫn thực hiện việc bổ nhiệm, luân chuyển lãnh đạo các đơn vị trường học do UBND cấp huyện quản lý.
Bà Hoàng Thị Thúy, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Lộc Bình cho biết: từ trước đến nay, Trưởng phòng GD-ĐT huyện chỉ đóng vai trò là thành viên trong Hội đồng xét thuyên chuyển viên chức sự nghiệp giáo dục huyện để tham mưu với Chủ tịch UBND huyện ra quyết định bổ nhiệm, luân chuyển. Vì thế công tác này không vướng. Năm học 2014 – 2015, Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, điều động gần 150 cán bộ, giáo viên, nhân viên trong ngành. Trong đó có nhiều trường hợp là hiệu trưởng, hiệu phó các trường mầm non, tiểu học, THCS.
Tại hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện Nghị định 115/2010/NĐ-CP được Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 23/4/2015, liên quan đến nội dung này, Bộ GD-ĐT cho biết: Trong năm 2015, sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ, các bộ, ngành liên quan và các địa phương soạn thảo Thông tư liên tịch thay thế Thông tư 47 và tham mưu Chính phủ sửa đổi Nghị định 115 nhằm cụ thể hóa đảm bảo thống nhất với các quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện và phù hợp với thực tiễn phân cấp quản lý giáo dục hiện nay.
Bài, ảnh: HÀ MY
Ý kiến ()