Bộ Ngoại giao trao bằng khen cho dòng họ Đặng ở Quảng Ngãi
Chiều ngày 5-4, tại huyện đảo Lý Sơn, đại diện Bộ Ngoại giao đã tiến hành trao bằng khen cho Gia tộc họ Đặng đã có thành tích trong công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.Trước đó, đại diện dòng họ Đặng ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) là ông Đặng Văn Thanh đã bàn giao “sắc chỉ” ghi bằng tiếng Hán của vua Minh Mạng (triều Nguyễn) cho chính quyền địa phương, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao,... nhằm tuyên truyền rộng rãi về tài liệu quý, khẳng định chủ quyền biển đảo ở đảo Hoàng Sa.Qua phiên dịch trong sắc chỉ ghi rõ (bằng chữ Hán): "Giao cho ông Võ Văn Hùng ở Lý Sơn chọn những thanh niên khỏe mạnh và giỏi nghề bơi, lặn để gia nhập đội thuyền, giao Đặng Văn Siểm (dòng họ ông Đặng Lên đang giữ tài liệu) lo kham việc đà công (người dẫn đường), giao Võ Văn Công phụ trách hậu cần".Sắc chỉ còn thể hiện cách thức tổ chức của đội Hoàng Sa, thủy quân Hoàng Sa, phiên chế, cách tuyển chọn, thời gian xuất hành...
Chiều ngày 5-4, tại huyện đảo Lý Sơn, đại diện Bộ Ngoại giao đã tiến hành trao bằng khen cho Gia tộc họ Đặng đã có thành tích trong công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Trước đó, đại diện dòng họ Đặng ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) là ông Đặng Văn Thanh đã bàn giao “sắc chỉ” ghi bằng tiếng Hán của vua Minh Mạng (triều Nguyễn) cho chính quyền địa phương, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao,… nhằm tuyên truyền rộng rãi về tài liệu quý, khẳng định chủ quyền biển đảo ở đảo Hoàng Sa.
Qua phiên dịch trong sắc chỉ ghi rõ (bằng chữ Hán): “Giao cho ông Võ Văn Hùng ở Lý Sơn chọn những thanh niên khỏe mạnh và giỏi nghề bơi, lặn để gia nhập đội thuyền, giao Đặng Văn Siểm (dòng họ ông Đặng Lên đang giữ tài liệu) lo kham việc đà công (người dẫn đường), giao Võ Văn Công phụ trách hậu cần”.
Sắc chỉ còn thể hiện cách thức tổ chức của đội Hoàng Sa, thủy quân Hoàng Sa, phiên chế, cách tuyển chọn, thời gian xuất hành mà nhiều bộ chính sử và các tư liệu lâu nay chưa đề cập rõ.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi, đây chính là sắc chỉ duy nhất còn nguyên vẹn bản gốc liên quan đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Sắc chỉ này là bằng chứng lịch sử khẳng định hàng năm vua Minh Mạng cho thành lập một hải đội gồm 3 chiếc thuyền và 24 lính thủy canh với khả năng lặn thiện chiến nhất ở đảo Lý Sơn, họ giong buồm đến Hoàng Sa để tìm hải vật và cắm bia khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo này.
Qua nghiên cứu của giới sử học Quảng Ngãi, công việc bảo vệ Hoàng Sa thời xưa kéo dài suốt nhiều năm và đã có nhiều hải đội người Việt như vậy nối tiếp nhau giong buồm ra quần đảo Hoàng Sa. Không chỉ tộc họ Đặng mà ở huyện đảo Lý Sơn còn có các tộc họ Võ, Phạm, Nguyễn… cũng liên tiếp cùng ra đến Hoàng Sa – Trường Sa theo lệnh của triều đình.
Đại diện Gia tộc họ Đặng, ông Đặng Lên tâm sự: “Tộc họ chúng tôi rất tự hào về truyền thống tổ tiên giong buồm ra Hoàng Sa theo mệnh lệnh của triều đình, khi phát hiện giá trị quý báu của sắc chỉ, họ tộc chúng tôi tự nguyện giao nộp tài liệu rất quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam tại Hoàng Sa”.
Ông Trần Duy Hải – đại diện Ủy ban Biên giới Quốc gia (Bộ Ngoại giao) khẳng định: “Việc trao tặng bằng khen lần này của Bộ Ngoại giao, với mong muốn động viên, ghi nhận sự đóng góp và hun đúc tinh thần gìn giữ tài liệu quý liên quan đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Chúng tôi mong muốn, họ Đặng tiếp tục lưu giữ và phát huy niềm tự hào của gia tộc khi cha ông dũng cảm giong buồm ra Hoàng Sa”.
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao còn phong tặng bằng khen cho ông Nguyễn Vũ Tú, Đại sứ Việt Nam tại Philippine và ông Nguyễn Đình Đầu (nhà nghiên cứu sử học) vì “đã có thành tích trong công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo”.
Theo Nhandan
Ý kiến ()