Bộ Ngoại giao thông tin thêm về khôi phục đường bay quốc tế
Về tiến trình khôi phục đường bay quốc tế giữa Việt Nam và các quốc gia khác, bà Hằng cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đang tích cực làm việc với các cơ quan chức năng nước ngoài về việc khôi phục hoạt động vận chuyển hàng không giữa Việt Nam và một số quốc gia.
Bộ Ngoại giao đã thông báo tới một số cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam về việc dự kiến nối lại đường bay tới Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Đài Loan, Quảng Châu (Trung Quốc), Vientiane (Lào), Phnom Penh (Campuchia) từ giữa tháng 7 trên cơ sở đảm bảo tuân thủ các biện pháp phòng dịch với các điều kiện cụ thể, không để lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, góp phần phục hồi phát triển kinh tế-xã hội.
Bộ Giao thông vận tải đang trao đổi với các cơ quan chức năng các nước nói trên để thống nhất vấn đề kỹ thuật bay, tần suất và lộ trình cụ thể.
“Chúng tôi hy vọng là kế hoạch này sẽ được hiện thực hóa trong thời gian sớm nhất có thể. Trước mắt Việt Nam sẽ ưu tiên các đối tượng đang được phép nhập cảnh hiện nay, bao gồm công dân Việt Nam, người nước ngoài là các chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động tay nghề cao, người vào với mục đích ngoại giao và công vụ, cùng một số trường hợp đặc biệt khác.
Người nhập cảnh Việt Nam phải nghiêm túc tuân thủ các điều kiện về kiểm dịch y tế và thực hiện cách ly phù hợp theo quy định về phòng chống dịch”, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.
Trước câu hỏi về những biện pháp bảo hộ công dân của Việt Nam khi truyền thông Malaysia đưa tin 12 thuyền viên người Việt Nam đang bị mắc kẹt trên biển tại Malaysia, bà Hằng cho biết: “Chúng tôi đã liên hệ với Cục Hàng hải Việt Nam. Cơ quan này đã nhận được thông tin và cho biết, các thuyền viên đã nhập tàu từ ngày 10-24/3 với mục đích là đưa tàu neo đậu tại khu vực neo Johor, Malaysia về Việt Nam”.
Cũng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các thuyền viên chưa được trả lương đúng hạn, cũng như tiền ăn, tiền chi phí sinh hoạt từ ngày 26/5 đến nay. Các thuyền viên đề nghị công ty chủ tàu (Công ty TNHH Thuận Thiên) trả lương, cung cấp tiền sinh hoạt và có kế hoạch đưa tàu về Việt Nam, tuy nhiên vẫn chưa được giải quyết.
Sau khi nhận được thông tin trên từ Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia liên hệ với các thuyền viên tìm hiểu thông tin về vụ việc và thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân nếu cần thiết.
Sau khi Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia liên hệ với các thuyền viên và có thông tin, Bộ Ngoại giao đã đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam chỉ đạo Công ty TNHH Thuận Thiên thực hiện các trách nhiệm theo đúng hợp đồng đã ký với các thuyền viên như trả lương, các chi phí sinh hoạt phát sinh do ở lại quá hạn trên tàu và hoàn thành các điều kiện của phía Malaysia để sớm đưa tàu về Việt Nam.
“Trong trường hợp cần thiết, Bộ Ngoại giao và cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại Malaysia sẽ trao đổi với phía Malaysia về các thủ tục theo yêu cầu”, bà Hằng nhấn mạnh.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()