Bỏ ngỏ khả năng giảm lãi suất cho vay
Khách hàng giao dịch tại Agribank chi nhánh An Phú (TP Hồ Chí Minh).
Thanh khoản của hệ thống dồi dào, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) điều chỉnh hạ lãi suất huy động. Nhưng để lãi suất cho vay được giảm theo như kỳ vọng của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, đây tiếp tục vẫn là một bài toán khó.
Tín hiệu giảm lãi suất
Theo Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm ngày 20-6, huy động vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) tăng 7,78% (cùng kỳ năm 2017 tăng 5,89%); tăng trưởng tín dụng sáu tháng đầu năm 2018 đạt 6,35% (cùng kỳ năm trước tăng 7,54%). Mặt bằng lãi suất được giữ ổn định. Thống kê mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, hiện nay mặt bằng lãi suất huy động VNĐ phổ biến ở mức từ 0,6 đến 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới một tháng; 4,3 đến 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ một tháng đến dưới 6 tháng; 5,3 đến 6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ sáu tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn hơn 12 tháng ở mức từ 6,5 đến 7,3%/năm. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất cho vay VNĐ hiện phổ biến ở mức từ 6,0 đến 9,0%/năm đối với ngắn hạn; từ 9,0 đến11%/năm đối với trung và dài hạn.
Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất cũng liên tục có xu hướng giảm, cho thấy thanh khoản của hệ thống các TCTD vẫn dồi dào. Cụ thể, theo Bản tin trái phiếu tuần do Công ty cổ phần (CTCP) Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) mới công bố, lãi suất liên ngân hàng trung bình tuần qua có xu hướng giảm đối với các loại kỳ hạn qua đêm, một tuần và hai tuần với biên độ giảm ở mức 0,22% đến 0,33%. Cụ thể, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm giảm 0,24% về mức 0,74%/năm, lãi suất trung bình kỳ hạn một tuần giảm 0,33% về mức 0,84%/năm, lãi suất trung bình kỳ hạn hai tuần giảm 0,22% về mức 1,08%/năm.
Thanh khoản dồi dào, một số NHTM đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Theo đó, từ cuối tháng 5, BIDV cắt giảm lãi suất huy động ở kỳ hạn ba và sáu tháng, với mức giảm 0,2%/năm. Sau khi điều chỉnh, lãi suất kỳ hạn ba tháng tại ngân hàng này còn 4,6%/năm, kỳ hạn sáu tháng còn 5,1%/năm. Ngân hàng Techcombank cũng công bố biểu lãi suất huy động mới áp dụng từ ngày 12-6 tất cả kỳ hạn giảm từ 0,1% đến 0,3%. Ngân hàng LienVietPostBank cũng điều chỉnh giảm lãi suất huy động kỳ hạn ba đến năm tháng còn 4,6%/năm, kỳ hạn sáu đến tám tháng giảm xuống 5,1%/năm. Tại VietinBank, lãi suất các kỳ hạn từ một tháng đến dưới ba tháng cũng chỉ còn 4,1%/năm, các kỳ hạn bốn đến năm tháng còn 4,6%/năm, thấp hơn từ 0,9 đến 1,4%/năm so với mức trần cho phép.
Tạo sự lan tỏa toàn hệ thống
Những tín hiệu tích cực từ các ngân hàng trong thời gian vừa qua đã khiến nhiều doanh nghiệp hy vọng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục hạ xuống. Tuy nhiên theo nhận định từ nhiều chuyên gia kinh tế, để tín hiệu hạ lãi suất cho vay trở thành xu hướng lan tỏa trong toàn hệ thống, vẫn là việc làm khó khăn bởi có nhiều rào cản.
Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, TS Cấn Văn Lực cho rằng, việc giảm lãi suất cho vay đang gặp phải một số rào cản như: lãi suất trên thế giới đang tăng, nhất là với đồng USD. Cùng với đó, nhu cầu vốn trong nền kinh tế hiện vẫn lớn, tăng trưởng tín dụng đặt ra ở mức 17% cho nên các NHTM vẫn cần tiếp tục huy động vốn. “Do đó, không thể giảm lãi suất đầu vào vì nếu giảm kênh đầu tư sẽ bị dịch chuyển khiến thanh khoản trong hệ thống khó khăn hơn, khó đáp ứng được mục tiêu tăng trưởng tín dụng cũng như các quy định về dùng vốn ngắn hạn đầu tư trung dài hạn. Từ đó dẫn tới lãi suất đầu ra càng khó giảm hơn”, TS Cấn Văn Lực nhìn nhận.
Một rào cản nữa cũng khiến cho việc giảm lãi suất cho vay càng trở nên khó khăn, đó là diễn biến tỷ giá tăng trong thời gian vừa qua. Theo chuyên gia tài chính ngân hàng TS Nguyễn Trí Hiếu, với tình hình tỷ giá như hiện nay, cơ hội giảm mặt bằng lãi suất không cao. Thanh khoản của hệ thống dồi dào cho nên lãi suất huy động đang trong xu hướng giảm nhẹ, chủ yếu ở các ngân hàng lớn và trung. Nếu so sánh với lạm phát (cả năm khoảng 4%) thì việc gửi VNĐ vẫn có lợi hơn so với việc giữ USD. Tuy nhiên, nếu xu hướng giảm lãi suất huy động VNĐ hiện nay diễn ra mạnh hơn thì khoảng cách chênh lệch lãi suất huy động VNĐ và USD cũng thu hẹp. Điều này sẽ kích thích tâm lý găm giữ ngoại tệ chờ tỷ giá tăng để kiếm lời, qua đó cũng khiến cho chủ trương giảm mặt bằng lãi suất VNĐ khó khăn hơn.
Ngoài ra, dù lãi suất cho vay được kỳ vọng giảm trên cơ sở điều chỉnh giảm của lãi suất đầu vào, nhưng việc giảm cũng ở mức khá hạn hẹp. Bên cạnh đó, một loạt chi phí hoạt động của ngân hàng cũng ngày càng cao, như chi phí lao động, chi phí đầu tư cho công nghệ thông tin, chi phí hoạt động,… Những yếu tố này cũng khiến cơ hội giảm lãi suất cho vay trở nên khó thực hiện hơn.
Như vậy, để giảm được lãi suất cho vay, theo nhiều chuyên gia tài chính thì bên cạnh sự quyết tâm của hệ thống ngân hàng, còn cần phải có sự hỗ trợ từ nhiều chính sách như phát triển thị trường vốn để giảm áp lực cho tín dụng, có giải pháp ngăn chặn đầu cơ bất động sản, giữ ổn định tiền đồng. Bên cạnh đó, điều hành chính sách tiền tệ cần tiếp tục theo hướng thận trọng, linh hoạt, kết hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng. Hiện nay, lạm phát trong tháng 5 và tháng 6 có dấu hiệu tăng. Trong khi, để lãi suất huy động giảm được thì lạm phát phải giảm. Do đó, nếu lạm phát năm nay tăng hơn 4% thì việc giảm lãi suất huy động sẽ rất khó, từ đó kéo theo việc giảm lãi suất cho vay cũng trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Để giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng một cách thuận lợi và nhanh chóng nhất, VietinBank luôn và sẽ tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hồ sơ giấy tờ. Cùng với đó trong thời gian qua, chính sách lãi suất của VietinBank, cụ thể là đối với năm lĩnh vực ưu tiên, cũng ở mức rất hợp lý. Chúng tôi luôn mong muốn lựa chọn được những khách hàng, doanh nghiệp, dự án tốt để cho vay đầu tư.
LÊ ĐỨC THỌ
Tổng Giám đốc VietinBank
Hiện nay, với “sức khỏe” của ngân hàng, Vietcombank có lợi thế giảm giá đầu vào để cho vay hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp thuộc năm lĩnh vực ưu tiên, cũng như lợi thế cạnh tranh để thu hút khách hàng tốt đến với ngân hàng. Đơn cử với đối tượng khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, đây là phân khúc được Vietcombank thường xuyên triển khai các chương trình ưu đãi hấp dẫn với lãi suất ngắn hạn từ 6,5%/năm với VNĐ và từ 2,8%/năm với cho vay bằng đồng USD.
PHẠM MẠNH THẮNG
Phó Tổng Giám đốc Vietcombank
Theo Nhandan
Ý kiến ()