Bộ luật Dân sự năm 2015 hướng tới sự phát triển nhanh, bền vững theo thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN
Bộ luật Dân sự của bất kỳ quốc gia nào theo hệ thống pháp luật thành văn cũng đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia đó. Vì vậy, Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS 2015) được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 24-11-2015, được Chủ tịch nước ký Lệnh công bố ngày 8-12-2015 là một sự kiện pháp lý quan trọng của nước ta trong năm 2015.
Hiến pháp năm 2013 và dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XII khẳng định mạnh mẽ trách nhiệm của Nhà nước trong việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, hướng tới phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, phát huy dân chủ và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Thể chế hóa các định hướng này và phù hợp với các mục tiêu mà Chính phủ đã xác định ngay từ đầu, BLDS 2015 đã có nhiều đột phá trong tư duy pháp lý và trong tạo lập cơ chế pháp lý đồng bộ, thống nhất về điều chỉnh quan hệ dân sự, về địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân trong đời sống dân sự; ghi nhận, bảo vệ tốt hơn các quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của người dân; qua đó bảo đảm hướng tới sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước. Điều này được thể hiện qua các nội dung nổi bật sau đây:
Thứ nhất, BLDS 2015, so với Bộ luật Dân sự năm 2005 (BLDS 2005), đã được xây dựng dựa trên một chủ thuyết thống nhất hơn, bảo đảm hơn về tính minh bạch, ổn định và hội nhập, qua đó góp phần hoàn thiện hơn khung pháp lý của nền kinh tế thị trường. Cụ thể:
– Tạo cơ sở pháp lý thuận lợi, minh bạch hơn về chủ thể của quan hệ dân sự, bảo đảm mọi cá nhân, pháp nhân (kể cả Nhà nước, cơ quan nhà nước ở Trung ương và ở địa phương) bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm khi tham gia quan hệ dân sự. Đối với hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân, BLDS 2015 cũng áp dụng cách tiếp cận mới trong việc giải quyết các quan hệ dân sự liên quan đến các thực thể này, theo đó, các thành viên là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện;
– Tạo cơ chế pháp lý đầy đủ, công khai hơn về quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản, tự do giao kết hợp đồng, đăng ký tài sản, thời điểm giao dịch có hiệu lực, thời điểm chuyển quyền đối với tài sản, thời điểm phát sinh hiệu lực với người thứ ba…; từ đó, bảo đảm mọi tài sản có thể trở thành hàng hóa trong giao lưu dân sự, vận động không ngừng.
Đặc biệt, bằng việc bổ sung các quyền khác đối với tài sản bên cạnh quyền sở hữu, gồm: quyền đối với bất động sản liền kề, quyền hưởng dụng và quyền bề mặt, BLDS 2015 tạo nhiều cơ hội pháp lý cho người dân, doanh nghiệp khai thác, sử dụng tài sản trong giao lưu dân sự, khuyến khích không chỉ chủ sở hữu đưa tài sản của mình vào lưu thông mà còn khuyến khích cả người không phải là chủ sở hữu tài sản yên tâm đầu tư vào tài sản của người khác nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả nhất tài sản này. Qua đó, các nguồn lực vật chất trong xã hội được tối đa hóa về giá trị kinh tế; trên cùng một tài sản có thể có nhiều chủ thể cùng đầu tư, khai thác;
– Quy định về giao dịch dân sự, đại diện, thời hiệu, nghĩa vụ và hợp đồng đã thông thoáng, an toàn, ít rủi ro pháp lý hơn, bảo đảm cho người dân, doanh nghiệp xác lập, thực hiện giao dịch theo đúng ý chí và nhu cầu của mình trên cơ sở tôn trọng lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Nhiều nội dung đổi mới đã được đưa vào, như: quy định hết thời hiệu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu mà không có yêu cầu thì giao dịch đó có hiệu lực pháp luật; giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức có thể được Tòa án công nhận hiệu lực nếu một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch…
Thứ hai, BLDS 2015 quy định một cách minh thị hơn so với BLDS 2005 về vị trí là luật chung điều chỉnh quan hệ dân sự và xây dựng được cơ chế pháp lý hợp lý về áp dụng pháp luật dân sự. Bên cạnh việc bảo đảm tính thống nhất, ổn định thì cũng bảo đảm được tính linh hoạt, tính “động” của hệ thống pháp luật để có đủ cơ sở pháp lý đáp ứng được nhu cầu điều chỉnh các quan hệ dân sự vốn rất đa dạng về hình thức, chủ thể, tính chất, nội dung và về sự biến động của quan hệ theo sự phát triển của kinh tế – xã hội, của hội nhập quốc tế. Cụ thể:
– Quy định thống nhất phạm vi điều chỉnh; các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và nguyên lý chung nhất, có tính ổn định về địa vị pháp lý của chủ thể, đối tượng, khách thể, quyền nhân thân và quyền tài sản trong các quan hệ pháp luật để các luật riêng phải tuân thủ hoặc định hướng cho các luật riêng khi điều chỉnh các quan hệ dân sự;
– Quy định cơ chế pháp lý thống nhất về áp dụng pháp luật, theo đó, luật khác có liên quan khi điều chỉnh quan hệ dân sự trong các lĩnh vực cụ thể không được trái với các nguyên tắc cơ bản quy định tại BLDS 2015. Trường hợp các luật này không có quy định hoặc có quy định nhưng vi phạm các nguyên tắc cơ bản đó thì quy định của BLDS 2015 được áp dụng;
– Quy định cụ thể cơ chế bảo vệ quyền dân sự thông qua cơ quan có thẩm quyền, trong đó, Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Để bảo đảm tính khả thi của cơ chế này và để Tòa án có đủ công cụ pháp lý giải quyết vụ, việc dân sự khi chưa có điều luật để áp dụng, BLDS 2015 đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng về áp dụng tập quán, áp dụng tương tự pháp luật và ghi nhận trường hợp không thể áp dụng tập quán, áp dụng tương tự pháp luật thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng để giải quyết.
Thứ ba, BLDS 2015 đã tạo lập cơ chế pháp lý hợp lý, khả thi hơn so với BLDS 2005 để hạn chế những mặt trái của nền kinh tế thị trường tác động lên các quan hệ dân sự. BLDS 2015 đã có tính bao quát, dự báo hơn về các nhóm chủ thể, các vấn đề pháp lý cần được áp dụng cơ chế điều chỉnh riêng. Trong đó:
– Có những quy định mang tính tiến bộ, nhân văn cao về thực hiện, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, như: quy định về chế độ trợ giúp pháp lý cho người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; ghi nhận sự bình đẳng về địa vị pháp lý của người chuyển đổi giới tính trong các quan hệ dân sự và cơ chế pháp lý để họ thực hiện quyền của mình…;
– Có những quy định thể hiện rõ trách nhiệm của Nhà nước pháp quyền trong việc bảo đảm tính minh bạch, ổn định, hợp lý và công bằng của các quan hệ dân sự, như: người thứ ba ngay tình được bảo vệ trong trường hợp họ căn cứ vào việc tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà xác lập, thực hiện giao dịch; người được đại diện phải công nhận giao dịch nếu người được đại diện có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch với mình không có quyền đại diện; bên có lợi ích trong hợp đồng bị ảnh hưởng do hoàn cảnh thay đổi cơ bản có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý hoặc yêu cầu Tòa án sửa đổi, chấm dứt hợp đồng…
Thứ tư, BLDS 2015 bảo đảm tốt hơn yêu cầu về phục vụ hội nhập quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển giao lưu dân sự, thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia khác, như: bảo đảm quyền lựa chọn pháp luật áp dụng và sự linh hoạt trong giải quyết các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài theo hướng tiếp thu có chọn lọc các nguyên tắc xác định pháp luật áp dụng đã được quốc tế thừa nhận rộng rãi, các hệ thuộc trong quy phạm xung đột pháp luật và thứ tự ưu tiên áp dụng các hệ thuộc này, nhất là đối với quan hệ hợp đồng, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. BLDS 2015 về cơ bản đã tương thích với thông lệ quốc tế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như doanh nghiệp trong các “sân chơi” của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC)… và tạo tiền đề pháp lý cho việc thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như: Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA).
Ó thể khẳng định, với những cải cách tương đối toàn diện nêu trên, BLDS 2015 đã đánh dấu một mốc quan trọng trong lịch sử xây dựng và hoàn thiện pháp luật dân sự của Việt Nam. Đây thật sự là một bước tiến lớn trong việc định hình cách ứng xử của các cá nhân, pháp nhân trong giao lưu dân sự, bảo vệ tốt hơn các quyền nhân thân và quyền tài sản không chỉ của 92 triệu người dân, gần 1 triệu tổ chức kinh tế của Việt Nam mà còn cả của người nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài có quan hệ dân sự, kinh tế với Việt Nam; góp phần quan trọng vào sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước theo thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, theo tinh thần của Đại hội XII.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()