Bỏ lỡ chợ phiên
LSO-Trong những ngày tháng 9 này, tại Lạng Sơn, hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn đã và đang được các doanh nghiệp triển khai, trong đó có một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hoạt động về lĩnh vực phân phối hàng hóa bán lẻ. Tuy vậy, các doanh nghiệp này mới chỉ đưa hàng đến các đại lý, trung tâm thị trấn. Theo đánh giá của ngành Công thương, các doanh nghiệp phân phối hàng Việt vẫn chưa tận dụng hết các kênh phân phối, trong đó có kênh trực tiếp là thông qua các phiên chợ thị trấn, phiên chợ xã.
Doanh nghiệp Thành Lộc đã mạnh dạn cho nhân viên đi bán hàng tại phiên chợ Lộc Bình |
Theo thống kê của Sở Công thương Lạng Sơn, hiện toàn tỉnh có hơn 80 chợ ở khu vực nông thôn. Trong số này, có chợ hiện đã hoạt động thường ngày, nhưng phần lớn vẫn mở theo phiên – 5 ngày một phiên nhằm phục vụ nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa của bà con các dân tộc vùng nông thôn. Nhắc tới chợ phiên thì không thể không nhắc tới chợ Lộc Bình, mặc dù nằm ở trung tâm thị trấn nhưng chợ này vẫn giữ phương thức hoạt động truyền thống là 5 ngày một phiên. Đến phiên chợ, gần như bà con ở tất cả các xã trên địa bàn huyện đổ về chợ trung tâm này để mua bán những sản phẩm do mình làm ra như sản phẩm nông sản, con gà, con lợn. Ngoài các hàng hóa này, đến cuối phiên bà con sẽ đi mua những sản phẩm tiêu dùng thiết yếu như mắm, muối, bột giặt… Với chính chất đặc thù như vậy nên mặc dù chỉ diễn ra trong một buổi nhưng chợ phiên Lộc Bình luôn được đánh giá là chợ đông, náo nhiệt và giữ bản sắc văn hóa của bà con vùng cao. Ngoài chợ phiên Lộc Bình thì phải kể đến chợ phiên ở xã Vân Mộng, huyện Văn Quan. Cũng 5 ngày họp một lần, đến chợ không chỉ bà con nhân dân trong xã mà bà con ở các xã lân cận cũng đến họp chợ. Còn nhiều các chợ xã khác nữa hiện vẫn họp chợ theo phiên, thu hút đông bà con đến trao đổi, mua bán hàng hóa.
Là tỉnh biên giới, việc tại chợ vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh bày bán hàng hóa Trung Quốc là việc bình thường. Tuy nhiên, một điều đáng nói là hàng hóa Việt Nam bày bán tại những chợ vùng nông thôn còn quá ít. Tìm hiểu thì thấy rằng có khá nhiều nguyên nhân khiến hàng Việt chưa đến được các phiên chợ vùng nông thôn. Nguyên nhân đầu tiên chính là các doanh nghiệp phân phối hàng hóa vẫn chưa “mặn mà” với kênh phân phối này, do vậy, bán hàng tại các chợ này chỉ là những người kinh doanh doanh nhỏ, khả năng về vốn hạn chế nên việc tích hàng không cao. Cùng với đó, do ít vốn nên những người kinh doanh nhỏ khó tìm đến được với những doanh nghiệp phân phối để nhập hàng, vì vậy, hàng hóa chủ yếu mà người kinh doanh nhỏ tại các chợ nông thôn tìm mua để bán vẫn là hàng Trung Quốc. Theo người kinh doanh nhỏ tại chợ nông thôn, hiếm khi thấy doanh nghiệp phân phối hàng Việt chủ động vào chợ giới thiệu và mời người kinh doanh nhỏ mua và phân phối hàng Việt.
Về phía các doanh nghiệp phân phối, nguyên nhân khiến họ chưa đưa hàng Việt đến bán tại các phiên chợ là do sức mua của bà con nơi này còn hạn chế, trong khi chi phí dành cho nhân viên, vận chuyển… khá tốn kém vì nhiều chợ ở xa trung tâm thị trấn. Ông Lê Công Được, Giám đốc Công ty TNHH Hoa Lê Hoàng tâm sự: “là doanh nghiệp phân phối hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, không phải doanh nghiệp không biết nhu cầu của bà con ở khu vực vùng sâu, vùng khó, nhưng qua tính toán, cân đối thì hiện tại doanh nghiệp chưa thể đưa hàng đến khu vực này bán được…”. Các chủ doanh nghiệp phân phối như doanh nghiệp tư nhân Trần Lệnh Thương, Thành Đô… cũng có chung ý này. Họ đều khẳng định, tiềm năng ở khu vực này là có nhưng do tính chất đặc thù của chợ phiên nên thời điểm này các doanh nghiệp chưa “mạnh dạn” đầu tư vào khu vực này. Ngoài ra, một vấn đề nữa khiến hàng Việt chưa được bày bán nhiều tại các chợ phiên nói chung và chợ ở các xã vùng sâu nói riêng là do doanh nghiệp phân phối hàng hóa chưa đặt niềm tin vào người kinh doanh nhỏ vì tiềm lực về vốn của họ rất hạn chế. Ông Nguyễn Quốc Hải, Phó Giám đốc Sở Công thương Lạng Sơn cho biết: mấy năm qua, các ngành, các cấp của tỉnh đã và đang nỗ lực để đưa hàng Việt đến tay bà con khu vực nông thôn. Điều này đã được kiểm chứng qua nhiều “phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn” được tổ chức tại một số huyện. Tuy vậy, việc đưa hàng Việt về vùng sâu, vùng khó khăn không phải là chuyện dễ dàng. Bởi lẽ mạng lưới phân phối hàng Việt tại khu vực này rất mỏng và yếu. Người tiêu dùng cũng quen với việc sử dụng hàng Trung Quốc và doanh nghiệp Việt nói chung và Lạng Sơn nói riêng chưa sẵn sàng bám trụ ở khu vực này.
Như vậy có thể thấy, mặc dù sức mua ở khu vực nông thôn có thể chưa bằng khu vực thành phố hay thị trấn, nhưng với tính chất độc đáo của những phiên chợ phiên ở vùng nông thôn, tiềm năng mua sắm tại các chợ nông thôn là không phải không có. Nếu doanh nghiệp phân phối hàng Việt vẫn “quẩn quanh” với bài toán thiệt hơn thì chương trình đưa hàng Việt về nông thôn tại Lạng Sơn chưa thể đạt được hiệu quả như mong muốn.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()