Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai nhiệm vụ năm 2023
Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn chủ trì hội nghị tại điểm cầu Lạng Sơn
– Ngày 4/1, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị. Tham dự tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh.
Trong năm 2022, Bộ kế hoạch và Đầu tư đã chủ động tham mưu đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội.
Bộ đã chủ động tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các kịch bản phát triển phù hợp và những giải pháp ứng phó kịp thời, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch COVID-19, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong năm 2022, bộ được giao 565 nhiệm vụ, đến hết 31/12/2022, bộ đã thực hiện hoàn thành 100% nhiệm vụ được giao; tham mưu xây dựng và trình 54 đề án phục vụ công tác chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế-xã hội.
Nhờ đó, trong năm, tình hình kinh tế-xã hội của nước ta đã phục hồi tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Tăng trưởng GDP ước cả năm đạt khoảng 8,02% (mục tiêu là 6-6,5%); chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia được thực hiện có hiệu quả.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tham mưu cho Chính phủ rà soát, sửa đổi các cơ chế chính sách còn bất cập; đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu, nhất là các dự án cao tốc có sức lan toả mạnh trong năm 2023; xử lý dứt điểm các dự án kém hiệu quả…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Về nhiệm vụ trong năm 2023, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nâng cao năng lực dự báo, chủ động tham mưu chiến lược cho Chính phủ thực hiện có hiệu quả các chương trình triển kinh tế – xã hội, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn trong nền kinh tế. Cùng đó, chủ động tham mưu xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế chính sách; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế số; tham mưu phân bổ nguồn lực nhà nước tránh dàn trải, ưu tiên cho các chương trình dự án lớn có sức lan toả cao… Đẩy mạnh công tác xây dựng đảng, đoàn kết nội bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, có tâm, có tầm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí …
Ý kiến ()