Bỏ hoang, lãng phí
LSO-Ngày 3/8/2010, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức khánh thành Khu cách ly Kiểm dịch động vật xuất nhập khẩu (XNK) qua các cửa khẩu của Lạng Sơn tại thôn Tà Lài, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng với mục đích kiểm dịch động vật XNK, đặc biệt là thực hiện việc cách ly gia cầm nhập lậu bắt giữ được xem có bệnh dịch hay không.
Sau mấy năm thực hiện, đến nay, do giữa 2 quốc gia Việt Nam – Trung Quốc chưa có quy định về việc cho XNK động vật chính ngạch, cũng như quy định về việc phải tiêu hủy gia cầm nhập lậu, vì thế, đến nay Khu cách ly này đã bỏ không gần 2 năm nay.
Khu cách ly Kiểm dịch động vật xuất nhập khẩu (XNK) rộng hơn 3ha hiện đang bỏ hoang |
Nhớ lại năm 2010, lần đầu tiên đến Khu cách ly Kiểm dịch động vật tại thôn Tà Lài, chúng tôi bất ngờ với quy mô hơn 3ha của Khu cách ly này. Thời điểm đó, trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Ngọc Tuyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Lạng Sơn – Phụ trách chính Khu cách ly (hiện tại ông Tuyên đã giữ chức Chi cục trưởng) cho biết rằng: Đây là mô hình cách ly kiểm dịch động vật đầu tiên trên toàn Đông Nam Á, mục đích chính của khu cách ly là: Những loại động vật XNK theo đường chính ngạch khi kiểm dịch tại các cửa khẩu có nghi ngờ về bệnh, dịch thì được mang vào khu cách ly để theo dõi và chăm sóc, sau thời gian cách ly quy định mà không phát sinh dịch thì sẽ được phép lưu chuyển trên thị trường.
Để công tác này có hiệu quả, UBND tỉnh cũng đã ra Quyết định số 1811/QĐ-UBND ban hành quy chế tạm thời về việc phối hợp sử dụng Khu cách ly kiểm dịch động vật XNK Lạng Sơn phục vụ thí điểm công tác xử lý đối với động vật và sản phẩm động vật nhập lậu bị bắt giữ trên địa bàn tỉnh. Theo ông Tuyên, mục đích chính là vậy, nhưng thời gian qua do nạn nhập lậu gia súc, gia cầm từ Trung Quốc về Việt Nam khá nhiều, tình hình dịch bệnh H5N1, H7N9… diễn biến bất thường nên Bộ NN&PTNT đã ra quyết định phải tiêu hủy toàn bộ gia cầm nhập lậu bị bắt giữ, vì thế, nhiệm vụ cách ly không được thực hiện nữa. Ngoài ra, do giữa 2 nước chưa có quy định cụ thể về việc cho XNK động vật chính ngạch nên nhiệm vụ kiểm dịch động vật XNK cũng không thể thực hiện được. Do vậy, gần 2 năm nay, Khu cách ly hoàn toàn bỏ không.
Trao đổi với cán bộ trông coi khu cách ly, được biết, chỉ sau hai năm hoạt động, đến nay khu cách ly này đã bỏ hoang không được sử dụng. Hiện tại để trông nom, bảo quản khu cách ly này, Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Lạng Sơn phải cử 5 nhân viên thường xuyên có mặt để bảo quản gìn giữ tài sản. Ước tính khoản tiền chi lương nhân viên và người chăm sóc cũng như bảo quản khu cách ly kiểm dịch động vật lên đến 150 triệu đồng/năm. Có cán bộ công tác tại khu cách ly 4 năm thì gần 2 năm này chỉ đến nơi rồi về, thỉnh thoảng tổ chức dọn dẹp, vệ sinh khu cách ly. Một điều đáng nói là, các trang thiết bị không được sử dụng hàng năm nên đã xuống cấp, hỏng hóc nhưng đến nay, Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Lạng Sơn vẫn chưa thể giải quyết được tình trạng này do khu cách ly kiểm dịch động vật này thuộc cơ sở của cơ quan quản lý Nhà nước nên Chi cục Kiểm dịch động vật vùng không thể tự ý đưa vào sử dụng.
Cuối tháng 3/2014 vừa qua, trong chuyến công tác kiểm tra việc phòng, chống cúm gia cầm tại Lạng Sơn, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo ngành nông nghiệp trung ương cần quan tâm tới khu cách ly kiểm dịch động vật XNK, không để lãng phí. Thời gian tới, Chính phủ sẽ tính đến phương án chuyển giao Khu cách ly cho tỉnh quản lý. Tuy nhiên, câu chuyện chuyển giao không phải một sớm một chiều có thể thực hiện. Do vậy, tình trạng Khu cách ly Kiểm dịch động vật bị bỏ hoang vẫn sẽ còn tiếp diễn.
Ông Phạm Ngọc Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật vùng Lạng Sơn cho biết: là đơn vị được giao trực tiếp quản lý khu cách ly, chi cục thực sự cảm thấy tiếc, nhưng quy định là quy định, và vấn đề này khi chưa chuyển giao thì tỉnh cũng chưa thể làm gì trước thực trạng này. Chúng tôi mong rằng, các cấp, các ngành trung ương, đặc biệt là Cục Thú y – Bộ NN&PTNT cần khẩn trương có phương án cụ thể để đưa Khu cách ly kiểm dịch động vật xuất nhập khẩu Lạng Sơn vào hoạt động nhằm tránh gây lãng phí như hiện nay.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()