Bộ GTVT tiếp tục dẫn đầu xếp hạng dịch vụ công trực tuyến
Ông Lê Thanh Tùng, Phó giám đốc Trung tâm CNTT (Bộ GTVT) cho biết, Cục Đăng kiểm Việt Nam là cơ quan có tỷ lệ số lượng hồ sơ thực hiện theo phương thức trực tuyến đạt gần 99,5% (27.882 trực tuyến/28.022 tổng số hồ sơ), cao nhất so với các đơn vị khác. Đồng thời, đây cũng là đơn vị có tỷ lệ giải quyết hoàn thành hồ sơ (trả kết quả) cao nhất, với tỷ lệ gần 95,2%.
Đại diện Cục Đăng kiểm cũng cho hay, hiện có hơn 1.500 doanh nghiệp thực hiện nộp, nhận kết quả theo hồ sơ trực tuyến và hầu hết hồ sơ đã được giải quyết trực tuyến, còn rất ít hồ sơ nộp trực tiếp.
Cũng theo ông Tùng, đến thời điểm hiện tại, tổng số thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực GTVT là 551, trong đó có 255 dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3, 4. Tổng số hồ sơ thực hiện theo phương thức trực tuyến khá cao, lên tới gần 388 nghìn hồ sơ với tỷ lệ hoàn thành giải quyết (trả kết quả) là gần 306.000 hồ sơ (tương đương 78,9%).
Số hồ sơ thực hiện trực tuyến trong lĩnh vực GTVT tăng mạnh qua mỗi năm. Trước đó, năm 2015, con số này chỉ là hơn 19.000 hồ sơ và hơn 142.000 hồ sơ trong năm 2016.
Đối với dự án Dự án thí điểm cơ chế hải quan một cửa quốc gia, đến nay đã có 12 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 được chính thức vận hành trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. Thống kê của Tổng cục Hải quan (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia) cho thấy, đến tháng 11/2016 số lượng doanh nghiệp tham gia cơ chế một cửa quốc gia của Bộ GTVT là 4.610 doanh nghiệp, chiếm 53% số lượng doanh nghiệp tham gia cơ chế một cửa quốc gia; số lượng hồ sơ của Bộ GTVT giải quyết trên Cổng thông tin một cửa quốc gia chiếm 47,63% tổng số hồ sơ.
Về thủ tục điện tử cho tàu thuyền Việt Nam hoạt động tuyến nội địa vào, rời cảng biển, theo ông Tùng, đến ngày 30/9/2017, đã có hơn 21.200 hồ sơ thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Hoàn thành giải quyết hơn 18.500 hồ sơ (đạt tỷ lệ 90,08%).
Dịch vụ công trong lĩnh vực khác cũng có tỷ lệ thực hiện trực tuyến khá cao. Cụ thể, về thủ tục cấp, đổi giấy phép kinh doanh vận tải; cấp, đổi biển hiệu, phù hiệu xe ô tô, đến ngày 30/9/2017, đã có 63 Sở GTVT triển khai sử dụng hệ thống và tiếp nhận giải quyết hơn 56.600 hồ sơ thực hiện theo phương thức trực tuyến. Các dịch vụ công trực tuyến đổi giấy phép lái xe, cấp giấy phép lái xe quốc tế cũng được Tổng cục ĐBVN triển khai mức độ 4 tại 63 Sở GTVT từ ngày 1/6/2016 đến nay với số hồ sơ thực hiện theo phương thức trực tuyến ở mức độ 4 là hơn 6.100 hồ sơ.
Theo ông Lê Thanh Tùng, thời gian tới Trung tâm Công nghệ thông tin sẽ tiếp tục phối hợp với các Tổng cục, Cục xây dựng lộ trình, phấn đấu đến năm 2019, toàn bộ các dịch vụ công của Bộ GTVT là dịch vụ công trực tuyến.
Cùng với việc dẫn đầu về chỉ số đánh giá dịch vụ công trực tuyến trong các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có dịch vụ công, năm nay Bộ GTVT cũng đạt xếp hạng 1 trong đánh giá chỉ số Ứng dụng CNTT các Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có dịch vụ công và trong đánh giá Ứng dụng CNTT nội bộ.
Ý kiến ()