Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng gỡ khó về vật liệu cao tốc Bắc-Nam
Theo Bộ Giao thông Vận tải, còn 9/11 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam thiếu hụt về nguồn vật liệu đắp nền đường sẽ dẫn tới chậm tiến độ thi công, không giải ngân được vốn đầu tư công.
Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ giải pháp tháo gỡ vướng mắc về nguồn vật liệu phục vụ thi công dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông.
Văn bản do Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ ký nêu rõ dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 gồm 11 dự án thành phần, trong đó có 8 dự án thành phần đầu tư công và 3 dự án thành phần được đầu tư theo phương thức PPP.
Đến nay, đã có 10/11 dự án thành phần được khởi công xây dựng; một dự án thành phần còn lại dự kiến sẽ khởi công vào tháng 10/2021.
Để tháo gỡ vướng mắc về nguồn cung cấp vật liệu, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án.
Mặt khác, Nghị quyết đã tháo gỡ, giảm bớt được thủ tục nâng công suất khai thác các mỏ vật liệu và thủ tục đấu giá quyền khai thác mỏ. Hiện nay, đã có một số mỏ vật liệu đất đắp nền đường đã được cấp phép thăm dò, cấp phép khai thác, nâng công suất khai thác theo Nghị quyết số 60/NQ-CP góp phần giảm bớt khó khăn về nguồn vật liệu đất đắp nền đường cho dự án.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Thọ cũng cho hay thực tế một số mỏ có thể tiếp tục nâng công suất khai thác, tăng trữ lượng để đáp ứng nhu cầu vật liệu đất đắp nền đường của dự án.
“Hiện, vẫn còn 9/11 dự án thành phần qua địa bản 11 tỉnh thiếu hụt về nguồn vật liệu đắp ở các mức độ khác nhau, trong đó tại các dự án thành phần đang triển khai thi công việc thiếu hụt nguồn vật liệu đất đắp nền đường sẽ dẫn tới chậm tiến độ thi công, không giải ngân được vốn đầu tư công,” ông Thọ nhấn mạnh.
Để tháo gỡ khó khăn, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu ban hành Nghị quyết sửa đổi một số nội dung của Nghị quyết 60.
Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị cho phép Ủy ban Nhân dân tỉnh nơi dự án đi qua được điều chỉnh công suất khai thác các mỏ đất đắp nền đường theo nhu cầu của dự án thành phần trên địa bàn địa phương, đảm bảo yêu cầu về vệ sinh môi trường và an toàn.
“Sau khi cung cấp đủ vật liệu san lấp cho dự án thành phần trên địa bàn thì dừng việc nâng công suất, tiếp tục khai thác theo công suất quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp trước đó,” Thứ trưởng Thọ đề nghị.
Lý do về kiến nghị trên được Bộ Giao thông Vận tải giải thích: Nhiều mỏ đất đắp trong khu vực có điều kiện thuận lợi (chất lượng vật liệu đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, trữ lượng còn, cự ly vận chuyển hợp lý,…) nhưng công suất khai thác ghi trong giấy phép mỏ thường chỉ từ 20.000-40.000m3/năm nên việc nâng công suất khai thác theo Nghị quyết 60 (thêm 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác) cũng không khai thác hết trữ lượng của mỏ trong thời gian thi công dự án; không giải quyết được việc thiếu hụt nguồn vật liệu đất đắp nền đường tại các dự án thành phần.
Bộ Giao thông Vận tải cũng kiến nghị lược bỏ quy định “không tăng trữ lượng đã cấp phép” tại điểm b khoản 1 Nghị quyết số 60/NQ-CP bởi thực tế một số mỏ đất trong giấy phép khai thác quy định trữ lượng nhỏ hơn nhiều so với trữ lượng, khả năng khai thác thực tế của mỏ./.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, các dự án cao tốc Bắc-Nam đang thiếu hụt khoảng 21,6 triệu m3 vật liệu đất đắp nền đường bao gồm 14,4 triệu m3 tại các mỏ chưa được cấp phép khai thác và 7,2 triệu m3 nằm tại các mỏ đã cấp phép khai thác nhưng do chưa giải phóng mặt bằng hoặc cự ly vận chuyển quá xa nên cần phải cấp phép bổ sung thêm các mỏ đất. |
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()