Bộ Giao thông Vận tải tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai cổ phần hoá 77 doanh nghiệp
Báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội của Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng vừa gửi tới các đại biểu Quốc hội đã khẳng định thành công bước đầu về tái cơ cấu Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ (Vinashin), Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) cũng như công tác cổ phần hoá doanh nghiệp thuộc thuộc Bộ.
Ảnh minh hoạ (Ảnh:dantri.com.vn) |
Về Vinashin, từ khi đề án tái cơ cấu tập đoàn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ tháng 6/2013 đến nay, Vinashin được thành lập với mô hình công ty mẹ – tổng công ty có 8 đơn vị thành viên là các nhà máy đóng tàu nòng cốt của tập đoàn cũ.
Hiện tại, Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành việc rút vốn tại 61/66 doanh nghiệp; giảm đầu mối được 46/236 đơn vị tại tổng công ty. Bộ cũng phê duyệt phương án cổ phần hoá 2 doanh nghiệp là Công ty tôn Vinashin, Cảng Chân Mây; đang thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa 7/7 doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa trong mô hình tổng công ty và triển khai các bước để cổ phần hóa công ty mẹ – tổng công ty trong năm 2015.
Về lao động, từ đầu năm 2014 đến nay, đã giảm được 7.264 lao động với tổng số tiền chi trả (mất việc, thôi việc) trên 134 tỷ đồng. Tính từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu tập đoàn đến nay, gần 11.000 lao động của Vinashin đã được giải quyết chế độ.
Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Vinashin thực hiện rà soát toàn bộ tình hình tài chính, công nợ, lao động, tài sản và hoạt động sản xuất, kinh doanh của từng đơn vị thành viên, hướng dẫn tổng công ty xây dựng đề án 8 đơn vị thành viên được giữ lại trong mô hình theo hướng thu gọn tổ chức, chỉ giữ lại nhà máy đóng tàu trong các doanh nghiệp.
Đối với Vinalines, báo cáo của Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, sau quyết định phê duyệt đề án tái cơ cấu tổng công ty này của Thủ tướng Chính phủ (tháng 2/2013), doanh nghiệp đã thực hiện giải thể, dừng hoạt động 5 doanh nghiệp; sáp nhập 1 doanh nghiệp; triển khai thủ tục phá sản 2 doanh nghiệp; hoàn thành cổ phần hóa 7 doanh nghiệp.
Trong 3 tháng cuối năm nay, Vinalines sẽ tiếp tục hoàn thành cổ phần hoá, chuyển 4 doanh nghiệp thành công ty cổ phần. Công ty mẹ – tổng công ty, đã cơ bản hoàn thành việc xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, trình Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt trong tháng 11/2014.
Về công tác thoái vốn tại các doanh nghiệp thuộc tổng công ty, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, đến nay, Vinalines đã thực hiện thoái vốn tại 23 doanh nghiệp, trong đó thoái toàn bộ phần vốn góp và giảm đầu mối được 17 doanh nghiệp, tổng số tiền thu về 125 tỷ đồng. Dự kiến quý IV/2014, sẽ hoàn thành việc thoái vốn tại 8 doanh nghiệp, số lượng còn lại (6 doanh nghiệp) sẽ hoàn thành trong năm 2015 theo đúng đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt.
Về giải quyết chế độ cho lao động dôi dư tại 7 doanh nghiệp đã được cổ phần hoá, theo tính toán, có tổng số 6.800 người thuộc diện này thì gần 6.600 người đã được chuyển sang làm việc tại công ty cổ phần. Chỉ 261 người không tiếp tục làm việc, nghỉ chế độ thì được tổng công ty giải quyết chế độ với số tiền trên 22 tỷ đồng.
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải đã tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai cổ phần hoá 77 doanh nghiệp, trong đó đã hoàn thành công việc với 51 doanh nghiệp, đang tiếp tục thực hiện để hoàn thành cổ phần hoá với 26 doanh nghiệp khác trong năm 2014.
Đối với Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cổ phần hoá, và Bộ Giao thông Vận tải đang quyết liệt chỉ đạo, hướng dẫn để đơn vị thực hiện đợt IPO trong tháng 11 năm nay.
Năm 2014, Bộ Giao thông Vận tải cũng được phép tổ chức thí điểm cổ phần hoá Bệnh viện Giao thông Vận tải, hướng dẫn Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc xây dựng đề án tái cơ cấu theo hướng cổ phần hoá trong năm 2015.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()