Bộ Giao thông vận tải đề xuất nối lại các chuyến bay quốc tế
Tối 8/11, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận kế hoạch nối lại các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách đi/đến Việt Nam. Theo đó, Bộ đề xuất mở lại bay quốc tế thường lệ ngay từ quý I/2022 với cả hành khách có hoặc không có “hộ chiếu vaccine”.
Phụ thuộc tỷ lệ tiêm vaccine
Theo Thứ trưởng Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn, thời gian qua, việc các chuyến bay chở khách quốc tế thường lệ bị tạm dừng và chưa được nối lại do các yêu cầu về kiểm soát dịch tễ phòng, chống dịch Covid-19. Do vậy, việc nối lại các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách phụ thuộc vào yếu tố quyết định là khả năng phòng, chống dịch của nước ta, trong đó có việc nâng cao tỷ lệ tiêm vaccine cho người dân để thực hiện miễn dịch cộng đồng, từng bước tháo gỡ các quy định phòng dịch đối với hành khách, tăng cường bố trí địa điểm cách ly,… cũng như kết quả đàm phán, thống nhất với các nước/vùng lãnh thổ về công nhận “hộ chiếu vaccine”.
“Từ cuối tháng 3/2020 đến nay, do tác động của dịch Covid-19 và nhằm kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh Việt Nam bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, toàn bộ các chuyến bay quốc tế đi/đến Việt Nam đều được cấp phép bay theo hình thức chiều từ Việt Nam đi được phép chở khách và hàng hóa, chiều vào Việt Nam chỉ được chở hàng và việc chở khách phải được cấp có thẩm quyền của Việt Nam chấp thuận”, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho hay.
Trong giai đoạn từ tháng 4/2020 đến tháng 9/2021, đã có hơn 274 nghìn người nhập cảnh qua đường hàng không, tuân thủ các quy định về nhập cảnh và phòng, chống dịch. Các hãng hàng không Việt Nam đã tổ chức hơn 400 chuyến bay “giải cứu” vận chuyển hơn 110 nghìn công dân về nước cách ly tại các cơ sở quân đội và gần 150 chuyến bay theo hình thức công dân tự chi trả toàn bộ chi phí cách ly (combo) tại khách sạn, xe đón, xét nghiệm,… với hơn 30 nghìn công dân.
Hành khách là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài nhập cảnh trên các chuyến bay quốc tế đều phải có văn bản đồng ý của các cấp có thẩm quyền và phải thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 trong đó có việc thực hiện cách ly y tế 14 ngày hoặc 7 ngày đối với trường hợp có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 hoặc chứng nhận khỏi bệnh (áp dụng theo hướng dẫn của Bộ Y tế từ ngày 4/8/2021) ngay sau khi nhập cảnh.
Đối với chuyến bay quốc tế thường lệ có vận chuyển hành khách đến (được sự cho phép nhập cảnh của các cơ quan có thẩm quyền) và đi từ Việt Nam, hiện chỉ có 19 hãng hàng không nước ngoài và 1 hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đang khai thác các đường bay giữa Việt Nam (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh) và 13 quốc gia/vùng lãnh thổ là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Công và Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Malaysia, Philippines, Campuchia, Australia, Pháp, UAE và Qatar, trung bình hơn 130 chuyến bay hằng tuần mỗi chiều.
Giai đoạn 9 tháng năm 2021, có gần 7.500 chuyến bay quốc tế chở khách đi/đến Việt Nam với tổng lượng khách vận chuyển cả 2 chiều là 350 nghìn lượt hành khách, hệ số sử dụng ghế trung bình là 13,27%, trong đó, chiều đến Việt Nam là 3.700 chuyến bay, vận chuyển 153.200 khách và hệ số sử dụng ghế trung bình 6,47%.
Bay quốc tế theo 3 giai đoạn
Trên cơ sở này, Bộ Giao thông vận tải đề xuất dự kiến khung kế hoạch nối lại các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách, tuy nhiên việc triển khai thực hiện kế hoạch này hoàn toàn phụ thuộc vào các yêu cầu, quy định về mặt y tế và phòng, chống dịch.
Cụ thể, đối với các chuyến bay công dân Việt Nam tự trả chi phí cách ly (combo) thực hiện theo hướng dẫn tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước trong tình hình mới do Bộ Ngoại giao ban hành.
Đối với các chuyến bay thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến một số địa phương (Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam), thực hiện theo hướng dẫn tạm thời thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành.
Đối với các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam được chia làm 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1: tổ chức chuyến bay không yêu cầu phê duyệt danh sách hành khách vào Việt Nam của các cơ quan có thẩm quyền (trừ các yêu cầu về xuất nhâp cảnh và kiểm soát y tế), thời gian thực hiện dự kiến từ quý I/2022.
Thị trường triển khai thực hiện là các đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc, Hồng Công và Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Lào, Campuchia, Pháp, Đức, Nga, Anh, Australia. Đây là các quốc gia/vùng lãnh thổ có tỷ lệ người dân được tiêm đủ liều vaccine cao hơn Việt Nam, đã và đang thực hiện các chuyến bay “combo”, chuyến bay thí điểm đón khách du lịch quốc tế và là các thị trường hàng không quan trọng đối với các hãng hàng không Việt Nam; cùng các thị trường an toàn khác không hạn chế nhập cảnh theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. Tần suất khai thác 4 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên (dự kiến tổng lượng khách nhập cảnh Việt Nam khoảng 12 nghìn người/tuần).
Trên cơ sở ý kiến của các địa phương liên quan về khả năng bố trí cơ sở cách ly, tiếp nhận hành khách, Bộ Giao thông vận tải sẽ chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam thực hiện công tác cấp phép bay theo quy định. Hành khách đi chuyến bay đã tiêm đủ liều vaccine thực hiện cách ly tập trung 7 ngày theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Khách chưa tiêm đủ liều vaccine thực hiện cách ly tập trung 14 ngày.
Giai đoạn 2 triển khai các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam không yêu cầu cách ly tâp trung đối với hành khách mang “hộ chiếu vaccine”. Thị trường triển khai thực hiện theo nhu cầu của các hãng hàng không; tần suất dự kiến 7 chuyến/tuần/chiều cho mỗi hãng hàng không.
Hành khách mang “hộ chiếu vaccine” sẽ thực hiện tự cách ly tại nơi cư trú từ 3 đến 7 ngày theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Khách không mang “hộ chiếu vaccine” thực hiện cách ly tập trung 14 ngày. Thời gian thực hiện dự kiến từ quý II/2022, trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện các chuyến bay trong giai đoạn 1 và công tác phòng, chống dịch Covid-19.Giai đoạn 3 khai thác chuyến bay quốc tế thường lệ theo nhu cầu, việc triển khai giai đoạn này thực hiện theo quy định và hướng dẫn về dịch tễ của cơ quan có thẩm quyền và phù hợp tình hình phòng, chống dịch Covid-19 trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh ở các nước/vùng lãnh thổ trên thế giới; tần suất và thị trường triển khai thực hiện theo nhu cầu của các hãng hàng không.
Khi tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 và miễn dịch cộng đồng ở Việt Nam ở mức cao, tùy thuộc vào hướng dẫn của Bộ Y tế và kết quả đàm phán công nhận lẫn nhau về “hộ chiếu vaccine”, có thể xem xét không yêu cầu hành khách mang “hộ chiếu vaccine” thực hiện cách ly.
Đối với hành khách không mang “hộ chiếu vaccine” và thực hiện cách ly tập trung 14 ngày có xác nhận đã thanh toán chi phí cách ly tại cơ sở cách ly tập trung có thu phí (khách sạn) được chỉ định tại một địa phương của Việt Nam, bao gồm phương tiện mặt đất đón về khách sạn cách ly đối với các đối tượng khách khác. Thời gian thực hiện giai đoạn này dự kiến từ quý III/2022, trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện các chuyến bay trong giai đoạn 2 và công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Ý kiến ()