Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng kết năm học 2021 – 2022
Đồng chí Dương Xuân Huyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và các sở, ban, ngành dự tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn
– Sáng 12/8/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2021 – 2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022 – 2023. Đồng chí Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị.
Dự tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Dương Xuân Huyên, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ và các sở, ngành trên địa bàn tỉnh.
Năm học 2021 – 2022 diễn ra khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp, do đó ngành giáo dục đã chủ động chuyển trạng thái hoạt động, linh hoạt tổ chức dạy học theo khung kế hoạch năm học.
Kết quả, đối với cấp mầm non, 63/63 tỉnh, thành phố duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; tỉ lệ trẻ mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non đạt 99,7%. Đối với cấp tiểu học và THCS, năm học 2021 – 2022 cả nước có 63/63 tỉnh, thành phố duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và THCS, trong đó 25/63 tỉnh, thành phố được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 (tăng 5% so với năm học trước). Ở cấp THPT, tỷ lệ học sinh được công nhận tốt nghiệp THPT của cả nước là 98,57%.
Cùng với công tác giáo dục đại trà, ngành đã quan tâm triển khai hiệu quả các hoạt động giáo dục mũi nhọn, nổi bật là các cuộc thi Olymlic khu vực, quốc tế năm 2021 – 2022 các đội tuyển đều đạt thành tích vượt trội với 37/39 học sinh dự thi đoạt giải. Trong đó có 12 huy chương vàng, 11 huy chương bạc, 9 huy chương đồng. Theo kết quả xếp hạng của các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 của USNEWS, Việt Nam xếp thứ 59, tăng 5 bậc so với năm 2020.
Đối với tỉnh Lạng Sơn, năm học 2021 – 2022, công tác giáo dục toàn diện học sinh trong các nhà trường được quan tâm, việc tổ chức các kỳ thi, hội thi được thực hiện hiệu quả, đúng kế hoạch. Nổi bật là tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2021 – 2022, tỉnh có 12 thí sinh đoạt giải, trong đó có 1 giải nhất, 3 giải ba, 8 giải khuyến khích (tăng 2 giải so với năm học trước). Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, toàn tỉnh có 97,94% thí sinh đỗ tốt nghiệp, tăng 0,15% so với năm 2021.
Trong năm học mới 2022 – 2023, Bộ GD&ĐT tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước trong lĩnh vực GD&ĐT theo hướng phân cấp, phân quyền, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo vai trò kiến tạo để phát triển giáo dục; củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục; tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đối với cán bộ, giáo viên và đẩy mạnh giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh,sinh viên; tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục….
Tại hội nghị, các đại biểu đã tham luận, thảo luận về những thuận lợi, khó khăn trong công tác triển khai các hoạt động giáo dục tại địa phương năm học 2021 – 2022 . Cùng đó, kiến nghị một số vấn đề để tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới, tập trung vào các nội dung như: bổ sung thêm biên chế giáo viên và cán bộ quản lý cấp trường; xây dựng cơ chế để ký hợp đồng chuyên môn đối với nhân viên trường học; linh hoạt điều chỉnh tiêu chí trong xây dựng trường chuẩn quốc gia…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của ngành giáo dục trong năm học 2021 – 2022 vừa qua.
Đồng chí yêu cầu: Trong thời gian tới, ngành giáo dục cần bám sát Nghị quyết số: 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, đảm bảo thực hiện đổi mới ở tất cả các khâu đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục; tăng cường công tác tự chủ, quản trị đại học; rà soát, chủ động đề xuất các cơ chế về học phí, xây dựng cơ sở vật chất phù hợp với từng địa phương; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giáo dục; phối hợp với Uỷ ban Dân tộc xây dựng chính sách hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số vùng khó; xây dựng tiêu chí thi đua của ngành đi vào thực chất; phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, bổ sung, đề xuất các nguồn huy động đóng góp đúng quy định; đẩy mạnh chuyển đổi số; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị đảm bảo chất lượng giáo dục bền vững.

Ý kiến ()