Tổng kết công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013-2023
- Sáng 25/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị tổng kết công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013 – 2023, nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự và chỉ đạo hội nghị.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp và trực tuyến đến điểm cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn, tham dự có đồng chí Đoàn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các ban của HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, trong giai đoạn 2013 - 2023 có trên 300 tập thể, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xã hội hóa để kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên trên cả nước với tổng số kinh phí xã hội hóa ước khoảng 33.000 tỷ đồng; tổng diện tích đất đã sử dụng để đầu tư xây dựng mới, kiên cố hóa phòng học, phòng công vụ cho giáo viên khoảng 521,9ha.
Nhờ đó, số phòng học được đầu tư từ nguồn xã hội hóa trong 10 năm qua là khoảng 36.000 phòng; số phòng công vụ cho giáo viên là khoảng 1.300 phòng. Đến hết năm 2023, cả nước có gần 628.571 phòng học các cấp mầm non, phổ thông công lập (tăng 73.290 phòng học so với năm 2013). Trong đó, số phòng học kiên cố là 545.375, đạt tỷ lệ kiên cố hóa 86,6% (tăng 20,7% so với năm 2013).
Bộ GD&ĐT phấn đấu đến năm 2030 số phòng học được kiên cố hóa trên cả nước đạt 100% (khoảng 75.380 phòng học) và đầu tư xây dựng đủ số phòng công vụ cho giáo viên theo nhu cầu (khoảng 10.794 phòng công vụ cho giáo viên).
Đối với tỉnh Lạng Sơn, trong giai đoạn 2013 – 2023, toàn tỉnh đã huy động xã hội hóa đầu tư xây dựng 421 phòng học và 51 nhà công vụ cho giáo viên, với tổng kinh phí huy động đóng góp xã hội hóa là hơn 129 tỷ đồng. Đến năm 2023, toàn tỉnh có 82,2% số phòng học được kiên cố hóa (năm 2013 là hơn 59%).
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận tập trung vào các nội dung: công tác huy động, vận động xã hội hóa đầu tư cho giáo dục; cơ chế chính sách để thu hút đầu tư nguồn lực từ cộng đồng, doanh nghiệp và cá nhân; việc kết nối các nguồn lực khác nhau để kiên cố hóa phòng lớp học; tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đồng hành cùng nhà nước trong đầu tư cho giáo dục,...
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đề nghị Bộ GD&ĐT, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất các chính sách ưu đãi để khuyến khích sự tham gia mạnh mẽ hơn của doanh nghiệp và các tổ chức xã hội vào công cuộc xã hội hóa giáo dục; xây dựng cơ sở dữ liệu ngành về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; chỉ đạo việc rà soát sắp xếp mạng lưới trường, lớp học để đầu tư và huy động đầu tư phát huy hiệu quả.
UBND các tỉnh, thành phố rà soát quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên trên địa bàn, trong đó lưu ý việc quy hoạch xây dựng đảm bảo phù hợp quỹ đất, đáp ứng yêu cầu; chủ động đẩy mạnh xã hội hóa huy động nguồn lực đầu tư cho giáo dục, ưu tiên cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng trường lớp học ở khu vực khó khăn; giám sát và quản lý chặt chẽ quá trình đầu tư tránh để xảy ra sai phạm trong quá trình thực hiện.
Ý kiến ()