Bộ Giáo dục đề xuất cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới
Hệ thống giáo dục Việt Nam sẽ được cơ cấu lại. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Đây là một trong những thay đổi quan trọng trong Tờ trình về Đề án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi đến Thủ tướng Chính phủ. Nội dung này được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố chiều tối ngày 7/1.
Cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới
Theo Tờ trình, Bộ xây dựng phương án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân như sau:
Cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân gồm giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục bậc cao; giáo dục thường xuyên-học tập suốt đời.
Trong đó, giáo dục mầm mon gồm nhà trẻ và mẫu giáo
Giáo dục phổ thông cơ bản không thay đổi, gồm tiểu học 5 năm, trung học cơ sở 4 năm, trung học phổ thông 3 năm. Giáo dục tiểu học và trung học cơ sở chỉ có một luồng là giáo dục cơ bản.
Trung học phổ thông có ba luồng là định hướng chung (có tính hàn lâm, khoa học như hiện nay), định hướng kỹ thuật, công nghệ hay định hướng năng khiếu (nghệ thuật, thể thao).
Giáo dục nghề nghiệp gồm đào tạo sơ cấp 1-3; trung cấp 3 năm (để đảm bảo khối lượng kiến thức phổ thông tối thiểu tương đương trung học phổ thông), cao đẳng 2-3 năm.
Giáo dục bậc cao gồm đại học, thạc sỹ, tiến sỹ. Trong đó đại học học từ ba đến 4 năm, phân thành ba luồng: định hướng nghiên cứu, định hướng ứng dụng, định hướng thực hành.
Thạc sỹ học từ một đến hai năm, phân thành hai luồng: định hướng nghiên cứu, định hướng ứng dụng.
Sẽ khắc phục được các hạn chế?
Cũng theo nội dung tờ trình, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay bị phân mảnh, liên kết lỏng lẻo giữa các bộ phận (giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, giáo dục đại học), quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục chưa hợp lý, không đồng bộ. Tình trạng mất cân đối trong cơ cấu trình độ và ngành nghề đào tạo chậm được khắc phục, chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu nhân lực của xã hội và hội nhập quốc tế.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng tính liên thông giữa các chương trình, trình độ, loại hình đào tạo trong hệ thống còn nhiều hạn chế chủ yếu do chưa xác định rõ ràng các hướng phát triển cho học sinh phổ thông và thiếu sự phân luồng người học từ sau trung học cơ sở cho đến hết giáo dục trung học.
Ở giáo dục bậc cao, các hướng đào tạo hàn lâm và hướng kỹ thuật-công nghệ (khoa học ứng dụng) trong giáo dục bậc cao vẫn chồng lấn nhau về chương trình đào tạo, mô hình tổ chức, đo lường đánh giá và kiểm định chất lượng.
Bên cạnh đó, vẫn tồn tại sự chồng chéo trong chức năng của các đơn vị tham gia giáo dục và đào tạo. Cùng một bậc học hoặc cấp độ đào tạo, trên cùng một địa bàn nhưng có nhiều loại hình đơn vị tham gia đào tạo, không có điều tiết chung, dẫn đến lãng phí công sức và nguồn lực.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, với phương án cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới sẽ khắc phục được các tồn tại trên./.
Ý kiến ()