Bộ Giáo dục Đào tạo nhấn mạnh điều gì trong năm học mới 2017-2018?
Lấy trẻ làm trung tâm
Năm học 2016- 2017, lần đầu tiên Việt Nam đạt hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi với tỷ lệ trẻ 5 tuổi đi học là 98,75%; cơ sở vật chất giáo dục mầm non được cải thiện, trình độ chuyên môn của giáo viên được nâng cao. Đây thực sự là một dấu ấn của giáo dục mầm non trong năm học qua.
Trong năm học mới 2018-2018, giáo dục mầm non tiếp tục thực hiện chín nhóm nhiệm vụ, năm nhóm giải pháp trọng tâm của toàn ngành, đặc biệt tập trung đổi mới công tác quản lý, hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm “lấy trẻ làm trung tâm” trong các cơ sở.
Một hiện tượng đáng chú ý ở bậc học mầm non trong năm học qua là thiếu cục bộ giáo viên mầm non, không những thế đội ngũ này còn hạn chế về chất lượng. Các địa phương đã huy động số lượng lớn giáo viên để đáp ứng yêu cầu đạt chuẩn phổ cập và yêu cầu trông giữ trẻ. Nhiều địa phương tuyển hàng nghìn giáo viên mỗi năm, nhiều địa phương điều động cả giáo viên tiểu học xuống dạy mầm non.
Do đó, trong năm học 2017-2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị đề nghị các tỉnh, thành phố có kế hoạch xây xựng cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; coi trọng về chất lượng đào tạo giáo viên mầm non.
Những giáo viên dôi dư, sinh viên sư phạm ra trường chưa có việc làm có chuyên ngành gần cần được khuyến khích chuyển đổi để có chất lượng giáo viên mầm non tốt nhất.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang rà soát để kiến nghị với Chính phủ các chế độ đãi ngộ giáo viên mầm non; rà soát các chuẩn giáo viên, chuẩn các kỹ năng chăm sóc trẻ .
Giải quyết dứt điểm những vấn đề “nóng”
Một trong những điểm “nóng” của giáo dục tiểu học những năm qua được dư luận xã hội hết sức quan tâm là trạng dạy thêm học thêm trước khi trẻ vào lớp 1 ở nhiều nơi. Thế nên có rất nhiều trẻ em đã đọc thông viết thạo trước khi chính thức vào bậc tiểu học. Những em không học sẽ được coi là thành phần cá biệt, khiến trẻ tự ti ngay từ khi bước chân vào lớp học chữ đầu tiên trong đời.
Tình trạng này không phải là mới và đã khiến phụ huynh, giáo viên, đặc biệt là con trẻ đều khổ, trẻ không còn hứng thú thực sự khi đi học.
Về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản chỉ đạo, theo đó chỉ dạy, chuẩn bị cho trẻ em 5 tuổi bậc học mầm non trước khi vào lớp 1 những kỹ năng làm quen với chữ cái, các hoạt động vận động, phát triển thể chất.
Mặt khác, bệnh thành tích ở bậc tiểu học vẫn cần phải khắc phục. Bởi về bản chất, công tác đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT là rất nhân văn, tuy nhiên nhiều nơi có tình trạng khen tràn lan. Do vậy, trong năm học mới các địa phương phải rà soát lại công tác này để triển khai đúng tinh thần của Bộ khi triển khai, áp dụng đánh giá học sinh không bằng điểm số.
Từ năm học 2017-2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo mong muốn mỗi trường tiểu học trên cả nước, từng bước phải tạo ra được diện mạo mới, một bước tiến mới, một dấu ấn mới, một môi trường giáo dục thật sự lành mạnh, dân chủ, an toàn, thân thiện, chất lượng và bình đẳng. Mỗi trường cần tạo ra một “thương hiệu riêng” để các em học sinh thấy hạnh phúc, tự hào về ngôi trường của mình và luôn cảm nhận được “mỗi ngày đến trường là một ngày vui.”
Định hướng phẩm chất, năng lực người học
Với giáo dục phổ thông, trong năm học mới 2017-2018, toàn ngành tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Mặt khác, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiến hành đẩy nhanh tiến độ xây dựng và ban hành chương trình giáo dục phổ thông, triển khai biên soạn sách giáo khoa giáo dục phổ thông gắn với phát triển năng lực và phẩm chất người học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục phổ thông trung học chủ động, linh hoạt trong việc thực hiện chương trình giáo dục; xây dựng kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh thông qua việc điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giản.
Đào tạo gắn với nhu cầu thị trường lao động
Trong năm học 2017-2018, giáo dục đại học tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Việc đổi mới của giáo dục đại học theo hướng tập trung đẩy mạnh tự chủ đại học, triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, gắn kết chặt chẽ đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động để tăng cường khả năng tìm kiếm việc làm phù hợp với chuyên môn được đào tạo cho sinh viên tốt nghiệp.
Việc này góp phần đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của thị trường lao động trong nước và nhu cầu dịch chuyển lao động trong khu vực.
Đến hết năm học 2016-2017, có 23 cơ sở giáo dục đại học công lập được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm tự chủ đổi mới cơ chế hoạt động. Theo đánh giá các cơ sở giáo dục đại học thí điểm tự chủ đã chủ động, linh hoạt hơn về tổ chức bộ máy, tuyển dụng nhân sự và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; từng bước đổi mới cơ chế hoạt động ngày càng hiệu quả. Mô hình thí điểm tự chủ bước đầu được đánh giá là thành công và được xã hội chấp nhận. Hầu hết các trường đã nhận thức rõ hơn về trách nhiệm xã hội và chú trọng thực hiện cam kết đối với người học.
Đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học là một trong chín nhiệm vụ chủ yếu của giáo dục đại học năm học 2017-2018. Trong năm học này, toàn ngành giáo dục đặt nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống các văn bản quy định về tự chủ đại học, tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo phát huy sự năng động, sáng tạo, đổi mới. Các trường cũng tự chủ rà soát, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, tiến hành sáp nhập giải thể theo nhu cầu của thị trường và năng lực của cơ sở./.
Ý kiến ()