Bộ GD-ĐT xây dựng ba kịch bản đối phó dịch bệnh lây lan trong trường học
Thực hiện vệ sinh lớp học tại Trường tiểu học Hoàng Diệu (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh minh hoạ
“Kế hoạch hành động của ngành giáo dục về phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona và dịch bệnh mùa đông xuân năm 2020” của Bộ GD-ĐT được Thứ trưởng GD-ĐT, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Nguyễn Hữu Độ ký ngày 31-1. Kế hoạch này đưa ra ba tình huống, được triển khai tới tất cả các cơ sở giáo dục trên phạm vi cả nước, thời gian áp dụng từ tháng 1 đến tháng 12-2020.
Cụ thể, với Tình huống 1 – Chưa ghi nhận trường hợp bệnh trong trường học:Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo theo dõi chăm sóc sức khỏe của cán bộ, nhà giáo và học sinh, sinh viên trong toàn ngành giáo dục. Chỉ đạo các sở GD-ĐT, cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch phòng chống dịch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; phối hợp với ngành y tế triển khai các hoạt động phòng, chống dịch trong trường học tại địa phương.
Chỉ đạo các sở GD-ĐT phối hợp chặt chẽ với sở y tế và các sở ngành có liên quan theo dõi tình hình dịch bệnh và sự lưu hành của bệnh viêm phối cấp do chủng mới virus corona gây ra tại Trung Quốc và nhất là tại các tỉnh gần Việt Nam.
Chỉ đạo các sở GD-ĐT phối họp với sở y tế và cơ quan chức năng tăng cường giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính với các biểu hiện nghi ngờ do chủng mới virus corona gây ra. Xây dựng thông điệp truyền thông, khuyến cáo phòng chống dịch trong trường học.
Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, các biện pháp phòng bệnh, kịp thời cung cấp thông tin để cán bộ, nhà giáo, học sinh, sinh viên không hoang mang lo lắng…
Tình huống 2 – Xuất hiện trường hợp bệnh xâm nhập vào trường học:Ban Chỉ đạo theo dõi chăm sóc sức khỏe của cán bộ, nhà giáo và học sinh, sinh viên trong toàn ngành giáo dục, họp hàng tuần và đột xuất phối hợp tích cực với ngành y tế triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh.
Tăng cường giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nghi ngờ do chủng mới virus corona gây ra. Phối hợp với ngành y tế triển khai các biện pháp cách ly chặt chẽ các trường hợp mắc bệnh cũng như nghi ngờ, tổ chức theo dõi chặt chẽ sức khỏe những trường hợp tiếp xúc.
Phối hợp tích cực với ngành y tế xử lý triệt để các ổ dịch. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, các biện pháp phòng bệnh, kịp thời cung cấp thông tin để cán bộ, nhà giáo, học sinh, sinh viên không hoang mang lo lắng; phối hợp với ngành y tế thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh.
Tình huống 3 – Dịch bệnh lây lan trong trường học:. Với tình huống này, Ban Chỉ đạo theo dõi chăm sóc sức khỏe của cán bộ, nhà giáo và học sinh, sinh viên trong toàn ngành giáo dục, họp hàng ngày hoặc đột xuất để phối hợp tích cực với ngành y tế để triển khai các hoạt động phòng, chống dịch trong trường học trên địa bàn. Phối hợp với ngành y tế khoanh vùng ổ dịch và cho học sinh, sinh viên nghỉ học, hạn chế đi lại khi cần thiết, phòng bệnh rộng rãi, bắt buộc đối với toàn bộ cán bộ, nhân viên, nhà giáo và học sinh, sinh viên trong cơ sở giáo dục có ổ dịch.
Phối hợp với ngành y tế giám sát các ca bệnh viêm đường hô hấp cấp tính nghi ngờ do chủng mới virus corona gây ra trong trường học. Phối hợp với ngành y tế triển khai các biện pháp cách ly chặt chẽ các trường hợp mắc bệnh cũng như nghi ngờ, tổ chức theo dõi chặt chẽ sức khỏe những trường hợp tiếp xúc; phối hợp với ngành y tế tổ chức thường trực, phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục.
Thường xuyên cập nhật các thông tin, thông điệp truyền thông, khuyến cáo phòng chống dịch cho phù hợp có nguy cơ, thông tin để cán bộ, nhà giáo, học sinh, sinh viên không hoang mang lo lắng; phối hợp với ngành y tế thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh.
Phối hợp với ngành y tế và các sở, ngành có liên quan về điều kiện đảm bảo và phương án, biện pháp phòng chống trong trường hợp dịch bùng phát lan rộng trong trường học. Tổ chức các đoàn kiểm tra tại các cơ sở giáo dục. Thực hiện báo cáo hàng ngày, đột xuất tình hình dịch bệnh và tổ chức thực hiện về UBND tỉnh, Bộ GD-ĐT để có phương án xử lý.
Ý kiến ()