Bộ GD-ĐT vận động hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số, miền núi
Ngày 3-11, Bộ GD-ĐT tổ chức Lễ phát động cuộc vận động các nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi trong ngành giáo dục, tại thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái.
Đầu tư cho phát triển bền vững
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc khẳng định, trẻ em vùng DTTS và miền núi nói chung, trẻ em các xã đặc biệt khó khăn nói riêng là đối tượng cần được xã hội quan tâm đặc biệt.
Phần lớn gia đình các em là hộ nghèo và hộ cận nghèo, điều kiện và kinh tế hỗ trợ việc học tập, chăm sóc và vui chơi rất hạn chế. Nhiều em có nguy cơ phải nghỉ học do hoàn cảnh khó khăn.
Để các em có cơ hội học tập và phát triển, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách. Bên cạnh đó, rất cần sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân.
Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 588/QĐ-TTg ngày 17-5-2020, phê duyệt Đề án “Vận động các nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019-2025” (Đề án 588).
Mục tiêu của Đề án là mong muốn cải thiện tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng của trẻ em thông qua khám chữa bệnh, hỗ trợ bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học, hỗ trợ trẻ em được tham gia hoạt động giáo dục văn hóa, vui chơi, giải trí; hỗ trợ đồ ấm cho trẻ em.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc kêu gọi và hy vọng rằng các nhà trường và các em học sinh sẽ nhận được sự hỗ trợ, đồng hành nhiều hơn nữa. “Việc hỗ trợ, đồng hành thường xuyên đó không chỉ là nghĩa cử cao đẹp mà còn chính là sự đầu tư cho sự phát triển bền vững của đất nước” – Thứ trưởng nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Vũ Thị Hiền Hạnh đánh giá đây là hoạt động thiết thực, ý nghĩa, nhân văn, thể hiện đậm nét truyền thống tương thân tương ái.
“Buổi lễ càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh đồng bào ta, nhân dân ta, nhất là trẻ em, học sinh vùng DTTS các xã đặc biệt khó khăn và miền núi ở các tỉnh miền trung đã và đang trải qua những nỗi đau, mất mát không gì bù đắp được do bão lũ gây ra”, bà nói.
Đại diện lãnh đạo tỉnh cho biết, với số học sinh DTTS chiếm trên 60%, Yên Bái đã dành nhiều nguồn lực chăm lo đến sự nghiệp phát triển giáo dục. Đến năm 2020, Yên Bái có khoảng 2.400 phòng ở cho học sinh, 1.500 phòng ở công vụ cho giáo viên, tạo điều kiện cơ sở vật chất tối thiểu giúp các cán bộ, giáo viên yên tâm công tác, nhất là ở vùng khó khăn.
Tuy vậy, tỉnh vẫn còn 278 điểm trường lẻ, 250 phòng học tạm; thiếu khoảng 600 phòng ở cho học sinh bán trú. Các điều kiện sinh hoạt của học sinh bán trú, học sinh các xã đặc biệt khó khăn vùng DTTS và miền núi mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu tối thiểu.
Phó Chủ tịch Vũ Thị Hiền Hạnh khẳng định: “Yên Bái cũng như các tỉnh trong khu vực trung du, miền núi phía bắc rất cần và rất mong được đón nhận nhiều hơn nữa sự quan tâm từ Bộ GD-ĐT cũng như của các Ban, Bộ ngành T.Ư và những tấm lòng hảo tâm, sự sẻ chia của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp; để giúp đỡ các nhà trường, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, học sinh vùng DTTS và miền núi được học tập trong điều kiện tốt hơn”.
Hình thành mạng lưới các nhà tài trợ
Tại buổi lễ, Bộ GD-ĐT thông tin, Đề án 588 sẽ triển khai chuỗi hoạt động, từ vận động nguồn lực đến hình thành mạng lưới các nhà tài trợ, các tổ chức trong nước và quốc tế.
Trong đó, điều phối việc hỗ trợ cho trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng DTTS và miền núi về khám chữa bệnh, dinh dưỡng cho trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học; vui chơi, giải trí cho trẻ em; đồ ấm cho trẻ em phù hợp theo độ tuổi; trang thiết bị, đồ dùng dạy học, đồ dùng học tập thiết yếu cho trẻ em và học sinh.
Để thực hiện Đề án 588 hiệu quả, Bộ GD-ĐT đề nghị Sở GD-ĐT các tỉnh/thành phố xây dựng kế hoạch và phối hợp với các sở, ban, ngành triển khai thực hiện Đề án trong ngành giáo dục tại địa phương.
Nhiệm vụ vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2019-2025 cần đưa vào chủ trương kế hoạch của ngành giáo dục hằng năm và từng giai đoạn.
Ngoài ra, thực hiện mô hình các cơ sở giáo dục vùng thuận lợi kết nghĩa và giúp đỡ các cơ sở giáo dục tại các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng DTTS và miền núi.
Việc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ cần đảm bảo đúng quy định tại Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Ý kiến ()