Bộ GD&ĐT thông tin về ngân hàng đề thi
Đây là thông tin được Bộ GD&ĐT đề cập tại hội nghị sơ kết học kỳ I năm học 2016 – 2017 tổ chức ngày 14/1 tại Hà Nội.
Theo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, ngay sau khi ban hành phương án thi, Bộ GD&ĐT đã khẩn trương triển khai chuẩn bị đề thi, vấn đề có ý nghĩa tiên quyết đối với thành công của kỳ thi.
Đầu tháng 9/2016, Ban Chỉ đạo công tác đề thi do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT làm Trưởng Ban được thành lập nhằm chỉ đạo việc xây dựng ma trận đề thi, công bố đề minh họa, đề thử nghiệm theo môn và theo bài; xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa phục vụ ra đề thi…
Ma trận đề thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 đã được xây dựng phù hợp với hình thức thi đã công bố trong phương án thi, theo hướng tiếp tục thực hiện đánh giá năng lực người học, tăng mức yêu cầu vận dụng kiến thức, các câu hỏi mở, giảm yêu cầu thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn; bảo đảm phân hoá kết quả thi để vừa đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa dùng để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Căn cứ ma trận đề thi, Bộ đã xây dựng các đề minh họa làm cơ sở cho giáo viên và học sinh tham khảo trong dạy học và ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi. Ngày 6/10/2016, Bộ GD&ĐT đã công bố 14 đề thi minh họa của các môn thi năm 2017.
Bộ GD&ĐT cũng gấp rút bổ sung, chuẩn hóa ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm đã có tại Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục bằng nhiều nguồn khác nhau (như huy động giáo viên tham gia biên soạn, biên tập câu hỏi thi; khai thác các câu hỏi thi phù hợp trong ngân hàng câu hỏi thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội).
Từ tháng 10 đến tháng 12/2016, Bộ đã tổ chức 10 đợt biên soạn câu hỏi thô tại 10 điểm trên cả nước; lựa chọn giáo viên THPT giỏi của tất cả 63 tỉnh, thành phố và các giảng viên đại học có chuyên môn tốt, nắm vững chương trình THPT… tham gia viết câu hỏi. Dữ liệu câu hỏi thô, sản phẩm của các đợt biên soạn này được chuyển về Hà Nội để biên tập, thẩm định và thực hiện các bước tiếp theo trong quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa.
Quy trình trên được tổ chức tập trung tại các địa điểm cách li, được giám sát, bảo vệ chặt chẽ, liên tục. Cán bộ tham gia không được mang các thiết bị thu phát thông tin vào phòng làm việc; không được mang tài liệu liên quan đến câu hỏi thi ra khỏi phòng làm việc và chỉ được phép tiến hành công việc khi có ít nhất 2 người của tổ bộ môn.
Máy tính lưu trữ sản phẩm được quản lý theo chế độ mật và dùng phần mềm để vô hiệu việc sao chép dữ liệu. Các bản dự thảo, bản nháp trong quá trình biên soạn, biên tập được tổ bộ môn lưu giữ để hủy sau khi kết thúc đợt biên soạn, biên tập./.
Ý kiến ()