Bộ GD-ĐT: Bù đắp, củng cố chất lượng giáo dục từ phổ thông tới đại học
Trong năm 2022, ngành giáo dục đặt mục tiêu hạn chế tối đa tác động của dịch bệnh, bù đắp và củng cố chất lượng đào tạo, chủ động hơn trong chỉ đạo điều hành…
Toàn ngành sẽ tiếp tục triển khai nhiệm vụ có tính thời sự là chống dịch COVID-19, hạn chế tối đa tác động tiêu cực của dịch bệnh tới giáo dục và đào tạo, trong đó, sớm hoàn thành chiến lược ứng phó toàn diện với dịch bệnh của ngành giáo dục.
Đây là một trong những nhiệm vụ được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đặt ra cho toàn ngành tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 diễn ra ngày 14/1.
Gần 20 triệu học sinh tạm dừng đến trường
Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong năm 2021, ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 đã khiến cho kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi. Đa số các địa phương trên cả nước phải chuyển sang dạy và học trực tuyến để phòng dịch. Gần 20 triệu trẻ em, học sinh, sinh viên phải tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến, học qua truyền hình trong thời gian dài.
Tính đến ngày 9/1, cả nước chỉ có 9 tỉnh, thành phố tổ chức dạy và học trực tiếp cho tất cả các học sinh trên địa bàn, 35 tỉnh thành dạy trực tiếp kết hợp trực tuyến và 19 tỉnh, thành dạy trực tuyến kết hợp với dạy qua truyền hình.
Trước tác động của dịch bệnh, ngành giáo dục đã chủ động trong chuyển các trạng thái dạy và học phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng thời điểm, từng địa phương. Các địa phương linh hoạt trong xây dựng kế hoạch năm học theo tình hình dịch trên địa bàn.
Trong bối cảnh hàng triệu học sinh không có thiết bị để học trực tuyến, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ thông tin và Truyền thông phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em.”
Các cơ sở giáo dục đại học chủ động tổ chức cho sinh viên học tập trực tuyến. Tuy nhiên, do tác động của dịch bệnh đã khiến trên 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn, ảnh hưởng tới việc cung cấp nguồn nhân lực.
Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, dù đã có nhiều nỗ lực và đạt được những kết quả tích cực nhất định, ngành giáo dục vẫn còn nhiều hạn chế như các quy định hướng dẫn triển khai việc dạy và học trong bối cảnh dịch COVID-19 còn mang tính ứng phó tạm thời, chưa thực sự chủ động; nhiều địa phương thiếu trang thiết bị học trực tuyến; việc học trực tuyến đối với học sinh tiểu học, nhất là đối với lớp 1, lớp 2 gặp khó khăn; việc thực hiện tự chủ đại học còn chưa thống nhất và đồng bộ dẫn đến việc triển khai ở một số cơ sở đào tạo còn chậm, lúng túng…
Trọng tâm bù đắp, củng cố chất lượng
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, bài học kinh nghiệm rút ra là phải đặc biệt lưu ý tới thực tiễn, bám sát thực tiễn và gia tăng hành động trong công việc.
Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết nhiệm vụ trước hết trong năm 2022 là toàn ngành tiếp tục triển khai chống dịch COVID-19, hạn chế tối đa tác động tiêu cực của dịch bệnh tới giáo dục và đào tạo. Trong đó, sớm hoàn thành chiến lược ứng phó toàn diện với dịch bệnh của ngành.
Trước thực tế có khoảng 70.000 sinh viên đại học chưa thể tốt nghiệp ra trường do dịch bệnh, Bộ trưởng đề nghị các trường đại học, cao đẳng tích cực hơn nữa đưa sinh viên trở lại trường học tập; tăng cường bù đắp chất lượng giáo dục đại học, sau đại học cho sinh viên, học viên. Trọng tâm là bù đắp, củng cố chất lượng giáo dục từ phổ thông tới đại học.
Trong năm 2022, ngành cũng tiếp tục hoàn thiện để ban hành các văn bản quản lý điều hành, trong đó lưu ý khắc phục những hạn chế, điểm yếu do tác động của dịch bệnh.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ ra nhiều nhiệm vụ khác của ngành trong năm tới như tập trung hoàn thành, ban hành Chiến lược phát triển giáo dục 2021-2030, tầm nhìn 2045; là năm trọng yếu triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018; thực hiện tự chủ đại học; tăng cường chuyển đổi số…/.
Ý kiến ()