Bộ đội Phòng không - Không quân trong trận "Ðiện Biên Phủ trên không"
Năm 1972, Mỹ bị thua đau trên cả hai chiến trường miền nam và miền bắc, đã cam kết ký hiệp định Pa-ri về Việt Nam (dự định ký chính thức vào ngày 30-10-1972). Song với bản chất hiếu chiến, xảo quyệt, tráo trở, chính quyền Ních-xơn đã tổ chức cuộc tập kích đường không chiến lược chủ yếu bằng máy bay B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng và một số vùng phụ cận (mang mật danh Lai-nơ-bếch-cơ II), nhằm thực hiện mưu đồ "thương lượng trên thế mạnh" ở Hội nghị Pa-ri sau gần 5 năm đàm phán và làm nhụt ý chí quyết tâm chiến đấu giải phóng miền nam của nhân dân ta, đồng thời động viên tinh thần chiến đấu cho ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn.
Nhưng trái với những toan tính của chính quyền Ních-xơn, “vỏ quýt dày đã có móng tay nhọn”, trong 12 ngày đêm chiến dịch phòng không tháng 12 năm 1972 ( từ ngày 18 đến 30-12-1972), với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, quân và dân miền bắc, mà nòng cốt là Bộ đội Phòng không – Không quân (PK-KQ), dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành T.Ư Ðảng, mà trực tiếp là Quân ủy T.Ư và Bộ Quốc phòng, đã phát huy sức mạnh tổng hợp của thế trận chiến tranh nhân dân trên mặt trận đối không bảo vệ miền bắc, đánh trả quyết liệt, trừng trị đích đáng hành động hung hăng, hiếu chiến, dã man, tàn bạo của đế quốc Mỹ, bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 “siêu pháo đài bay B-52” – con “át chủ bài” của không lực Hoa Kỳ, một trong bộ ba lực lượng răn đe chiến lược (tên lửa hạt nhân, tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân và máy bay ném bom chiến lược), mà Mỹ thường đem ra để đe dọa nhân dân thế giới. 34 trong số 193 máy bay ném bom chiến lược B-52 bị bắn rơi (17,6%) – một tỷ lệ tổn thất quá cao đối với không lực Hoa Kỳ trong chiến tranh, buộc Chính phủ Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom vô điều kiện miền bắc và nối lại đàm phán với Chính phủ ta tại Hội nghị Pa-ri, theo nội dung mà hai bên đã thỏa thuận tháng 10-1972, thừa nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, cam kết chấm dứt dính líu quân sự, rút hết quân Mỹ và đồng minh ra khỏi miền nam Việt Nam.
Thắng lợi của quân và dân miền bắc trong chiến dịch phòng không tháng 12-1972 đã làm nên chiến thắng “Hà Nội – Ðiện Biên Phủ trên không”, ghi thêm một chiến công chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, mở ra một cục diện mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tạo ra thế và lực mới để quân và dân ta thực hiện trọn vẹn lời dạy thiêng liêng của Bác “đánh cho Mỹ cút”, làm tiền đề tiến tới “đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước. Có được chiến thắng “Hà Nội – Ðiện Biên Phủ trên không”, trước hết là nhờ có sự lãnh đạo thiên tài, sáng suốt, tầm nhìn xa, trông rộng của Ðảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Ngay từ năm 1966, khi lần đầu Mỹ sử dụng máy bay B-52 đánh ra miền bắc, ném bom xuống khu vực đèo Mụ Giạ ở phía tây tỉnh Quảng Bình, Bác Hồ đã cho mời đồng chí Ðặng Tính, Chính ủy Quân chủng PK-KQ lên giao nhiệm vụ: Máy bay B-52 Mỹ đã ném bom miền bắc, phải tìm cho được cách đánh B-52. Nhiệm vụ này Bác giao cho các chú PK-KQ. Và Bác còn căn dặn thêm: Muốn bắt được cọp thì phải vào tận hang. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, Quân chủng PK-KQ đã lập kế hoạch từng bước nghiên cứu, xây dựng cách đánh B-52. Giữa năm 1966, mặc dù Bộ đội Tên lửa mới ra quân chiến đấu, lực lượng có hạn, nhưng Bộ Tư lệnh (BTL) Quân chủng đã quyết tâm đưa Trung đoàn Tên lửa 238 vào đất lửa Vĩnh Linh để nghiên cứu cách đánh B-52; tiếp đó, cử những cán bộ chỉ huy, tham mưu, quân báo, khoa học quân sự và phi công có nhiều kinh nghiệm vào Vĩnh Linh nghiên cứu quy luật hoạt động của máy bay B-52 để tìm cách đánh. Trải qua gần bảy năm vừa nghiên cứu, vừa chiến đấu gian khổ, Quân chủng đã biên soạn tài liệu “Cách đánh B-52” và tổ chức tập huấn, huấn luyện cách đánh máy bay B-52 cho tất cả các đơn vị trong toàn Quân chủng.
Thông thường, trên mặt trận đối không, bên tiến công đường không thường ở thế chủ động, bên chống tiến công đường không thường phải ở thế phòng thủ bị động cả về thời gian, không gian và cách đánh; nhưng trong chiến dịch phòng không tháng 12-1972, chúng ta đã chủ động chuẩn bị sẵn sàng lực lượng và thế trận đánh địch bảo vệ miền bắc, trọng điểm là Hà Nội và Hải Phòng. Ngày 24-11-1972, BTL Quân chủng PK-KQ báo cáo lần cuối kế hoạch phòng không đánh trả cuộc tập kích đường không chiến lược chủ yếu bằng máy bay B-52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng với Bộ Quốc phòng và đã được Tổng Tham mưu trưởng phê chuẩn, đồng thời chỉ thị cho Quân chủng phải hoàn thành mọi công tác chuẩn bị chiến đấu trước ngày 3-12-1972. Ðây là nét độc đáo trong nghệ thuật tác chiến PK-KQ trên mặt trận đối không trong chiến tranh giải phóng của ta.
Ðêm 18 rạng sáng 19-12-1972, Mỹ đã huy động 90 lần chiếc B-52 và 135 lần chiếc máy bay chiến thuật vào đánh phá Hà Nội và Hải Phòng, mở màn chiến dịch Lai-nơ-bếch-cơ II. Quân và dân ta mà nòng cốt là Bộ đội PK-KQ đã chiến đấu anh dũng, mưu trí, sáng tạo với quyết tâm “vạch nhiễu tìm thù”, bắn rơi ba chiếc B-52, có hai chiếc rơi tại chỗ và năm máy bay chiến thuật, bắt sống một số giặc lái. Ðây là những chiếc B-52 và giặc lái bị bắn rơi đầu tiên trong chiến dịch, cũng là những chiếc B-52 bị Bộ đội PK-KQ bắn rơi tại chỗ đầu tiên trong suốt tám năm chống chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền bắc. Việc bắn rơi tại chỗ “siêu pháo đài bay B-52” bất khả xâm phạm của không lực Hoa Kỳ, bắt sống giặc lái ngay trên bầu trời Hà Nội trong trận mở đầu chiến dịch có ý nghĩa vô cùng quan trọng cả về chính trị, quân sự và ngoại giao. Chiến thắng trận đầu đã củng cố lòng tin cho Bộ đội PK-KQ, khẳng định chúng ta hoàn toàn có thể bắn rơi tại chỗ máy bay B-52 của Mỹ; đồng thời là nguồn cổ vũ, động viên ý chí quyết tâm chiến đấu của quân và dân ta trên cả hai miền nam, bắc, làm vợi đi nỗi lo lắng của bè bạn năm châu cho Hà Nội, Việt Nam.
Phát huy chiến thắng trận đầu của chiến dịch, Bộ đội PK-KQ đã liên tiếp lập công trong các trận đánh tiếp theo, đặc biệt là trong trận then chốt quyết định chiến dịch ngày 26-12-1972, bắn rơi tám máy bay B-52, buộc Ních-xơn phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra (ngày 30-12-1972). Trong 12 ngày đêm, Bộ đội PK-KQ đã hoàn thành xuất sắc vai trò là lực lượng nòng cốt trên mặt trận đối không, bắn rơi 53/81 máy bay các loại của Mỹ, trong đó có 32/34 chiếc B-52 (16 chiếc rơi tại chỗ đều do lực lượng của Quân chủng PK-KQ bắn rơi). Ðiều đặc biệt là, cả ba binh chủng hỏa lực của Quân chủng PK-KQ (Tên lửa, Pháo phòng không và Không quân) đều bắn rơi được máy bay B-52 – loại máy bay mà sau đó Mỹ vẫn tiếp tục sử dụng để tiến công đường không vào các nước khác trong các cuộc chiến tranh gần đây, nhưng không có một lực lượng PK-KQ của nước nào bắn rơi được, cho dù có các loại vũ khí PK, KQ hiện đại.
Ðể làm nên chiến thắng “Hà Nội – Ðiện Biên Phủ trên không”, các lực lượng của Quân chủng PK – KQ đã chiến đấu dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, nêu cao tinh thần đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể. Bộ đội Ra-đa đã phối hợp chặt chẽ các lực lượng, bố trí thế trận hợp lý, tích cực phát sóng quản lý vững chắc bầu trời, với tinh thần “vạch nhiễu tìm thù”, đã phát hiện chính xác từ xa máy bay B-52 và các loại máy bay chiến thuật khác để thông báo, báo động kịp thời cho các lực lượng PK – KQ chuyển cấp đánh địch và phòng không nhân dân phòng tránh, sơ tán. Bộ đội Không quân đã vượt qua mọi khó khăn ác liệt, tích cực cất cánh đánh địch từ xa, phá vỡ đội hình địch, tạo điều kiện cho các đơn vị phòng không tuyến sau đánh địch. Bộ đội Tên lửa đã phát huy hết tính năng của vũ khí, khí tài tên lửa, tập trung đánh tiêu diệt máy bay B-52 – đối tượng tác chiến chủ yếu của chiến dịch. Bộ đội Pháo phòng không tích cực đánh địch bảo vệ mục tiêu và bảo vệ các trận địa tên lửa. Chiến thắng cuộc tập kích đường không chiến lược, với gần 50% lực lượng không quân chiến lược của toàn nước Mỹ và toàn bộ máy bay chiến thuật của không quân, hải quân Mỹ ở Ðông – Nam Á, đánh dấu sự phát triển vượt bậc về nghệ thuật tiến hành chiến dịch phòng không của Quân đội ta trong chiến tranh giải phóng, để lại nhiều bài học kinh nghiệm thực tiễn vô cùng quý báu cho các lực lượng của Quân chủng PK – KQ.
Qua các cuộc chiến tranh gần đây cho thấy, tiến công đường không của Mỹ và đồng minh đã phát triển nhiều, từ một biện pháp tác chiến đã trở thành một phương thức tiến hành chiến tranh và có vai trò rất quan trọng trong chiến tranh. Kết quả của tiến công đường không quyết định sự phát triển và kết cục của chiến tranh. Ðể có thể đánh bại các cuộc tiến công hỏa lực đường không của địch trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Bộ đội PK-KQ cần phải tiếp thu và vận dụng một cách sáng tạo những bài học kinh nghiệm trong chiến tranh chống Mỹ nói chung và trận “Ðiện Biên Phủ trên không” nói riêng, kinh nghiệm chống tiến công đường không của nước ngoài vào điều kiện mới của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, để bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Theo Nhandan.vn

Ý kiến ()