Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận phát triển kinh tế
– Tuổi thanh xuân tham gia chiến đấu bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc, hòa bình lập lại, những người cựu chiến binh (CCB), người lính “Bộ đội Cụ Hồ” trở về địa phương vẫn tích cực phát triển kinh tế, giúp nhau xóa nghèo, làm giàu cho gia đình, quê hương.
Năm 1986, ông Nông Văn Bầu, thôn Pò Kiền, xã Tân Tiến, huyện Tràng Định phục viên trở về địa phương. Sau nhiều năm lặn lội tìm cách phát triển kinh tế, năm 2008, ông mạnh vay vốn lãi suất ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội huyện mua 4 ha đất canh tác. Năm 2010, được hỗ trợ về kỹ thuật, kinh phí, ông đã trồng hơn 10.000 cây quế, 500 cây hồi và nuôi hơn 60 đàn ong mật, 400 con gà thịt, nhận trông coi 3.000 m2 diện tích mặt nước để thả cá và nuôi vịt đẻ trứng. Lấy ngắn nuôi dài, cuộc sống gia đình ông Bầu dần ổn định. Năm 2013, với thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, gia đình ông Bầu thoát nghèo. Đặc biệt từ năm 2020 đến nay, quế, hồi bắt đầu cho thu hoạch, nâng tổng thu nhập của gia đình lên trên 200 triệu đồng/năm.
Cán bộ, hội viên CCB thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc cây na
CCB Nông Văn Bầu cho biết: Những năm đầu phát triển kinh tế, tôi gặp rất nhiều khó khăn nhưng với ý chí và nghị lực của người lính cộng thêm sự động viên của gia đình, đồng chí, đồng đội, tôi tiếp tục cố gắng, kiên trì để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống gia đình. Với thành công bước đầu, tôi đã tích cực động viên, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ hàng chục hộ dân ở xã cùng vươn lên thoát nghèo.
Tương tự CCB Nông Văn Bầu, từ năm 2016 đến nay, Hội CCB huyện Tràng Định có 328 hộ thoát nghèo. Ông Hoàng Văn Công, Chủ tịch Hội CCB huyện cho biết: Hội CCB huyện hiện có 26 hội cơ sở, 165 chi hội với 3.856 hội viên. Những năm qua, các cấp hội luôn quan tâm tuyên truyền vận động, hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế với nhiều biện pháp như: tạo điều kiện cho 834 hội viên vay vốn ưu đãi với tổng dư nợ trên 35 tỷ đồng; phối hợp tổ chức tập huấn, tuyên truyền hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tập trung gieo trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương như: cây quế, hồi, cây ăn quả… Từ năm 2016 đến nay, hội viên CCB toàn huyện đã trồng được hơn 810 ha cây quế, 153 ha hồi, 1.027 ha bạch đàn, keo, mỡ, 4 ha mắc ca, 9 ha cây sa nhân, 380.000 ha thạch và 12 ha cây ăn quả… Nhờ đó, đời sống của hội viên ngày càng được nâng cao với gần 50% hội viên có mức sống khá trở lên.
Không riêng Tràng Định, Hội CCB huyện Chi Lăng cũng đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực giúp hội viên CCB phát triển kinh tế, xóa nghèo bền vững. Ông Vi Văn Hiền, Chủ tịch Hội CCB huyện Chi Lăng cho biết: Những năm qua, các cấp hội thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật và tạo điều kiện cho hội viên vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để phát triển kinh tế. Nhờ đó, hội viên đã phát triển thành công 430 mô hình phát triển kinh tế có thu nhập ổn định từ 200 triệu đồng/năm trở lên. Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện có 225 hộ CCB thoát nghèo, số hộ khá và giàu tăng thêm 582 hộ.
Hội viên CCB xã Tân Tiến, huyện Tràng Định chăm sóc cây quế
Cùng với Chi Lăng, Tràng Định, các cấp hội CCB trên địa bàn toàn tỉnh đã tích cực tuyên truyền, huy động được nhiều nguồn lực giúp hội viên có thêm vốn, kiến thức khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, các cấp hội CCB đã phối hợp với các ngành, đoàn thể mở 150 lớp tập huấn về khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư cho gần 8.000 lượt hội viên. Đồng thời, nhận ủy thác với ngân hàng chính sách xã hội cho 11.434 hội viên vay vốn ưu đãi với tổng dư nợ trên 540 tỷ đồng. Mặt khác, 100% chi hội duy trì nguồn quỹ nội bộ với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng cho hội viên vay phát triển kinh tế không lấy lãi hoặc lãi suất thấp, tạo việc làm cho hơn 2.400 lao động địa phương.
Ông Trần Văn Vẩn, Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh cho biết: Trở về với cuộc sống thời bình, hội viên CCB luôn phát huy nghị lực, ý chí tự lực tự cường của những người lính “Bộ đội Cụ Hồ”, quyết tâm chiến thắng cái nghèo, xông pha trên mặt trận phát triển kinh tế. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 4.400 hộ CCB thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm giảm từ 2,5% trở lên. Đến nay, toàn tỉnh có 1.251 CCB làm kinh tế giỏi, trong đó đã phát triển 37 doanh nghiệp, 17 hợp tác xã, 14 tổ hợp tác, 127 trang trại, 533 gia trại, 523 hộ kinh doanh dịch vụ, tạo việc làm cho hơn 8.300 lao động địa phương.
Qua đây cho thấy, những năm tháng rèn luyện trong quân ngũ đã hun đúc nên ý chí, nghị lực, bản lĩnh kiên cường của những người lính Bộ đội Cụ Hồ. Trên mọi mặt trận, trong mọi thời điểm của cuộc sống, họ luôn xông pha, cống hiến sức lực, trí tuệ của mình để cải thiện cuộc sống, trở thành tấm gương sáng, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp
Ý kiến ()