Bộ đội biên phòng tỉnh: Xây dựng và nhân rộng mô hình bảo vệ biên giới
- Những năm qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh đã triển khai nhiều chủ trương, biện pháp xây dựng, nhân rộng các mô hình và cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ. Qua đó, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vùng biên vững chắc, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia trong hình tình mới.
Khu vực biên giới của tỉnh có 176 thôn, bản giáp biên, với 21 xã, thị trấn biên giới thuộc 5 huyện gồm: Đình Lập, Lộc Bình, Tràng Định, Văn Lãng và Cao Lộc. Ở khu vực biên giới, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, trong khi đó hoạt động của các loại tội phạm diễn biến phức tạp... Để thực hiện tốt nhiệm vụ, các cơ quan, đơn vị BĐBP tỉnh đã nỗ lực tuyên truyền, vận động cán bộ, Nhân dân ở khu vực biên giới chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, các quy định của địa phương trong công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, thông qua các hình thức thực hiện sáng tạo, phù hợp.
Sáng tạo xây dựng mô hình
Đại tá Trịnh Hữu Tăng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP tỉnh cho biết: Nhằm cụ thể hóa trong thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã có nghị quyết, kế hoạch đề ra chủ trương, biện pháp triển khai, thực hiện đồng bộ, cụ thể công tác biên phòng. Trong đó xác định tăng cường công tác vận động quần chúng, xây dựng và nhân rộng các mô hình, cách làm hay, hiệu quả là nhiệm vụ quan trọng.
Với phương châm "hướng về cơ sở", phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó mật thiết với bà con ở biên giới, cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh luôn xác định “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, từ đó thực hiện tốt phương châm “3 bám, 4 cùng” (3 bám: bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương, chính sách; 4 cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào). Qua đó, cán bộ, chiến sĩ tích cực nghiên cứu, tham mưu xây dựng các mô hình, cách làm hay, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền cơ sở để triển khai, tổ chức thực hiện. Nổi bật, BĐBP tỉnh đã xây dựng, duy trì hoạt động hiệu quả “Ngày hội Biên phòng toàn dân”, mô hình “Lũy tre biên giới Việt”, “Thắp sáng đường tuần tra biên giới”, xây dựng "Đường kiểm tra cột mốc bảo vệ biên giới"... Trong đó, mô hình “Lũy tre biên giới Việt” của BĐBP tỉnh đã được đánh giá cao trong chương trình tôn vinh các điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” của Ban Tuyên giáo Trung ương.
Các mô hình, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả của BĐBP tỉnh có ý nghĩa thiết thực, tạo sức lan tỏa lớn, khẳng định được vai trò, vị trí của lực lượng BĐBP ở khu vực biên giới, tạo được chuyển biến, hình thành được nét riêng của BĐBP trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, công tác biên phòng. Đây cũng là nhân tố tích cực, giúp BĐBP tỉnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, cùng toàn dân bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Chú trọng nhân rộng
Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân 3/3, từ năm 2012 đến nay, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đồn biên phòng chủ động tham mưu và tham gia cùng với cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn biên giới tổ chức các hoạt động Ngày Biên phòng toàn dân, lấy tên là “Ngày hội Biên phòng toàn dân”.
Thượng tá Nguyễn Xuân Thanh, Phó Chính ủy BĐBP tỉnh cho biết: Nhằm nêu cao vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, huy động sức mạnh của toàn dân tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, cứ vào dịp 3/3 hằng năm, trên tuyến biên giới của tỉnh, cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp và đồng bào các dân tộc trong và ngoài tỉnh lại nô nức chung vui Ngày hội Biên phòng toàn dân. Hoạt động đã trở thành ngày hội của tình quân dân, tạo sức lan tỏa huy động sự vào cuộc tích cực của toàn dân trong việc tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.
Năm 2024, các đồn biên phòng thuộc BĐBP tỉnh đã phối hợp với các xã, thị trấn biên giới tổ chức “Ngày hội Biên phòng toàn dân” tại 11 cụm, điểm, với trên 10.000 lượt người tham gia. Ngày hội đã diễn ra với các hoạt động ôn lại lịch sử, truyền thống của BĐBP, truyền thống xây dựng và bảo vệ biên giới của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc nơi biên giới; phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” theo tinh thần Chỉ thị số 01 ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, đã có 24 tập thể và 885 gia đình ký kết với chính quyền cơ sở tham gia, phối hợp với BĐBP trong quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc.
Anh Lê Văn Thắng, Trưởng thôn Nà Tồng, xã Trùng Khánh, huyện Văn Lãng cho biết: Bản thân tôi luôn gương mẫu, chủ động tuyên truyền, vận động bà con tích cực tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; hiện nay, trên địa bàn thôn có 48 hộ có đất canh tác giáp biên ký kết tham gia, phối hợp với BĐBP trong tự quản đường biên, mốc giới; riêng gia đình tôi cũng đã ký kết tham gia tự quản gần 70 m đường biên giới, đoạn giữa mốc 1047 và mốc 1048.
Còn mô hình "Lũy tre biên giới Việt" vừa gióp phần bảo vệ biên giới, vừa mang lại giá trị kinh tế. Mô hình được Đồn Biên phòng Ba Sơn, BĐBP tỉnh khởi xướng triển khai, đến nay mô hình này đã lan tỏa trong các đồn biên phòng, được bà con sinh sống ở khu vực biên giới vui mừng đón nhận. Trung tá Lương Văn Tuấn, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Ba Sơn cho biết: Đơn vị phụ trách địa bàn các xã Cao Lâu, Mẫu Sơn, Xuất Lễ (huyện Cao Lộc); dọc tuyến biên giới do đồn quản lý địa hình chủ yếu là các dãy đồi, núi cao, diện tích đất đồi để trống còn rất nhiều, năm 2022, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã lên ý tưởng, thí điểm triển khai mô hình “Lũy tre biên giới Việt”; việc triển khai mô hình trồng tre trên biên giới sẽ tạo thành hàng rào biên giới "mềm", phù hợp trong điều kiện hiện nay để góp phần quản lý, bảo vệ biên giới.
Theo đó, việc triển khai mô hình sẽ do các hộ dân tự quản đường biên, cột mốc tiến hành trồng và chăm sóc, góp phần đẩy mạnh hoạt động và hiệu quả phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới". Quá trình trồng, chăm sóc tre, thu hoạch măng của bà con kết hợp với việc quan sát được tình hình đường biên, cột mốc, qua đó, người dân kịp thời báo cáo với lực lượng BĐBP hoặc cấp ủy, chính quyền cơ sở xử trí, giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ biên giới.
Anh Hoàng Văn Tùng, xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc chia sẻ: Gia đình tôi có đất rừng canh tác giáp biên giới, mô hình “Lũy tre biên giới Việt” của Đồn Biên phòng Ba Sơn rất phù hợp trên địa bàn. Gia đình tôi được đồn giao trồng, chăm sóc 200 cây tre. Trồng tre sau này không chỉ giúp gia đình phát triển kinh tế, có thêm thu nhập mà quan trọng hơn cả là chúng tôi đã góp một phần công sức của mình trong việc tham gia quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.
Việc triển khai trồng tre làm hàng rào "mềm" chi phí thấp hơn nhiều so với đầu tư xây dựng hệ thống hàng rào cứng, phù hợp với điều kiện kinh tế của ta còn nhiều khó khăn. Qua tham khảo ở một số địa phương, trồng cây tre lấy măng dễ thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với địa hình, thời tiết trên địa bàn huyện Cao Lộc; chi phí chăm sóc không cao, thời gian cây trưởng thành khoảng 2 năm thì cho thu hoạch, khai thác sản phẩm từ tre mang lại giá trị kinh tế cho bà con, góp phần ổn định cuộc sống của Nhân dân trên địa bàn. Năm 2024, Đồn Biên phòng Ba Sơn đã hỗ trợ người dân trên địa bàn trồng mới 1.000 cây tre, nâng tổng số cây tre được trồng từ năm 2022 đến nay lên 10.500 cây.
Nhận thấy hiệu quả từ mô hình “Lũy tre biên giới Việt” do Đồn Biên phòng Ba Sơn triển khai có ý nghĩa thực tế trong việc bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã triển khai nhân rộng mô hình này đến 100% đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh để tổ chức trồng tre dọc tuyến biên giới. Qua đó, từ năm 2022 đến nay, các đồn biên phòng đã hỗ trợ cho người dân ở khu vực biên giới trồng được gần 16.000 cây tre, với tổng trị giá gần 350 triệu đồng. Khi cây tre trưởng thành cho thu hoạch măng, mang lại giá trị kinh tế, góp phần ổn định cuộc sống cho bà con ở khu vực biên giới.
Đặc biệt, thực hiện đợt vận động đặc biệt ủng hộ xây dựng đường kiểm tra cột mốc, bảo vệ biên giới tỉnh Lạng Sơn do Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lạng Sơn phát động đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tạo sức lan tỏa, thu hút được sự quan tâm ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân. Đây là mô hình đầu tiên của cả nước, có cách triển khai, phương pháp thực hiện hiệu quả phục vụ công tác tuần tra biên giới, kiểm tra mốc quốc giới, góp phần giữ vững chủ quyền quốc gia. Từ năm 2022 đến nay, BĐBP tỉnh đã làm được 282 đường kiểm tra cột mốc bảo vệ biên giới với tổng kinh phí (tiền mặt, vật liệu xây dựng, ngày công...) trên 37 tỷ đồng...
Thời gian tới, BĐBP tỉnh tiếp tục triển khai, thực hiện các chủ trương, biện pháp xây dựng, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả. Qua đó, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vùng biên vững mạnh, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia trong tình hình mới.
Ý kiến ()