Thứ 6, 27/12/2024 16:21 [(GMT +7)]
Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại
Thứ 4, 11/08/2010 | 08:48:00 [(GMT +7)] A A
Trong đội hình lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP), BĐBP Quảng Ninh là điển hình, nêu nhiều bài học kinh nghiệm về đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại. Quảng Ninh là tỉnh biên giới phía đông bắc của Tổ quốc, có 118,842 km đường biên giới đất liền và 250 km đường biên giới biển tiếp giáp Trung Quốc, với ba cửa khẩu đường bộ và các cảng biển, có nhiều đường mòn, khe suối, luồng lạch.
Với những đặc điểm địa lý và vị trí quan trọng, Quảng Ninh là một địa bàn rất thuận lợi phát triển các hoạt động thương mại nói chung và công tác xuất nhập khẩu hàng hóa nói riêng, đẩy mạnh giao lưu kinh tế với các vùng, miền trong cả nước và nước ngoài. Tuy nhiên, đây cũng là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại lợi dụng, tìm mọi cách thẩm lậu hàng hóa vào thị trường trong nước, trong đó các đối tượng lợi dụng chính sách ưu đãi cư dân biên giới, chính sách khu kinh tế cửa khẩu, khu kinh tế mở, chính sách tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu… để buôn lậu.
Hoạt động vượt biên trái phép trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra, chủ yếu là các đường dây mua bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng về Việt Nam tiêu thụ và đưa các hàng cấm xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc tiêu thụ. Tham gia vận chuyển chủ yếu là cư dân biên giới làm thuê cho các chủ buôn lậu; lợi dụng đêm tối, địa hình hiểm trở, ít người qua lại, các đối tượng dùng thuyền hoặc thuê “cửu vạn” đi đường mòn, lối tắt đưa hàng vượt biên, sau đó gom hàng và chuyển sâu vào nội địa. Mặt hàng buôn lậu thường có thuế suất cao, như: quần áo, vải may mặc, hàng điện tử, điện lạnh gia dụng, điện thoại, vật liệu xây dựng và hàng cấm như: thuốc lá, gia súc, gia cầm, pháo các loại, phụ tùng ô-tô, xe đạp cũ… Ngoài mặt hàng cấm và hàng có thuế suất cao, buôn lậu dưới hình thức “cư dân biên giới” vận chuyển hàng theo phương thức “xách tay” các mặt hàng tiêu dùng khác. Hàng xuất khẩu trái phép chủ yếu là: than cám, hàng hải sản, động vật quý hiếm…
Lợi dụng chính sách ưu đãi theo Quyết định số 254 ngày 7-11-2006 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung đường biên giới, trong đó có miễn thuế nhập khẩu hàng hóa không quá hai triệu đồng/một người/một ngày/một lượt đối với cư dân vùng biên giới, không ít tư thương thuê cư dân biên giới xé lẻ vận chuyển qua cửa khẩu, rồi hợp thức hóa bằng phát hành hóa đơn bán hàng thông thường, thậm chí phát hành hóa đơn giá trị gia tăng trên khâu lưu thông để chuyển vào nội địa tiêu thụ. Thực tế, có những thời điểm, tại cửa khẩu Bắc Luân (Móng Cái) có ngày vài nghìn người tham gia mang hàng “xách tay” cho các chủ buôn, có người tham gia 2 đến 3 lượt/ngày. Đối với chuyển khẩu hàng hóa, các đối tượng buôn lậu thường lợi dụng khai báo không đúng với tên hàng thực tế vận chuyển, giữa cửa khẩu mở tờ khai với cửa khẩu xuất hàng, để gian lận thuế hoặc buôn lậu hàng cấm, vì theo quy định các lực lượng chức năng tại cửa khẩu xuất hàng, sẽ không kiểm tra thực tế hàng hóa nếu không có dấu hiệu vi phạm. Đối với hình thức “tạm nhập tái xuất”, các đối tượng thường thực hiện các mặt hàng Nhà nước cấm nhập khẩu hoặc đang trong thời kỳ hạn chế nhập khẩu… bằng cách “tạm nhập” về Việt Nam, sau đó “tái xuất” sang Trung Quốc, rồi lại tìm cách nhập lậu trở lại thị trường Việt Nam để tiêu thụ, như: thuốc lá điếu, hàng điện tử, xe đạp cũ, rượu… Mặt khác, lợi dụng hình thức kinh doanh này, các đối tượng buôn lậu là người nước ngoài tìm cách “mượn đường” qua Việt Nam để buôn lậu hàng cấm với số lượng lớn, vận chuyển hàng phế liệu nhựa sạch nhập khẩu từ Nhật Bản về Việt Nam để tái xuất đi Trung Quốc.
Tình hình buôn lậu than trong những năm qua ở Quảng Ninh diễn biến phức tạp. Từ cuối năm 2008, do sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư và địa phương vào cuộc, cho nên buôn lậu than hiện nay đã được ngăn chặn, nhưng vẫn chưa chấm dứt. Các chủ đầu nậu thu gom than không có nguồn gốc hợp pháp hoặc chúng móc ngoặc với các đối tượng trong các doanh nghiệp có chức năng khai thác, kinh doanh than để mua bán trái phép, rồi hợp thức hóa đơn, chứng từ vận chuyển than nội địa. Sử dụng các phương tiện vận tải thủy công suất, trọng tải lớn, trang bị đầy đủ thiết bị hàng hải hiện đại, thuê thuyền trưởng, thuyền viên có nhiều kinh nghiệm đi biển, thông thạo luồng lạch, lợi dụng thời tiết xấu, chạy trên vùng biển giáp ranh, vòng tránh các chốt trạm, trạm kiểm soát của các lực lượng chống buôn lậu, để vận chuyển trái phép than đi Trung Quốc tiêu thụ.
Nhận thức rõ tính chất phức tạp và quyết liệt của công tác đấu tranh chống tội phạm, chống buôn lậu và gian lận thương mại, trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Tư lệnh BĐBP, Ban Chỉ đạo 127 T.Ư và tỉnh Quảng Ninh, sự hỗ trợ phối hợp của chính quyền và các ngành chức năng, BĐBP Quảng Ninh đã thu kết quả cao trong đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại, đã bắt giữ xử lý 3.303 vụ/4.331 đối tượng; hàng hóa thanh lý thu nộp ngân sách Nhà nước 105 tỷ đồng…
Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh đạt hiệu quả cao trong đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại là do cấp ủy, chỉ huy các đơn vị thường xuyên đổi mới công tác giáo dục, xây dựng bản lĩnh vững vàng cho cán bộ, chiến sĩ, nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, bảo vệ tốt an ninh chính trị nội bộ. Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tham gia chống buôn lậu, xây dựng và đẩy mạnh phong trào Bảo vệ an ninh Tổ quốc và trật tự an toàn xã hội ở biên giới. Kết hợp đấu tranh chống buôn lậu, với thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở khu vực biên giới, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng thế trận lòng dân thật sự vững chắc. Thực hiện tốt công tác điều tra cơ bản, sử dụng có hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ. Làm tốt công tác quản lý nhà nước về biên giới quốc gia, tổ chức tuần tra, kiểm soát chặt chẽ trên biên giới, vùng biển, khu vực cửa khẩu, cảng biển, ngăn chặn bắt giữ kịp thời các hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Thường xuyên mở các đợt cao điểm, tập trung lực lượng, phương tiện vào địa bàn, thời gian trọng điểm để đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi phạm tội. Phối hợp chặt chẽ các lực lượng chức năng, các ngành, các cấp và phối hợp tốt với lực lượng bảo vệ biên giới của Trung Quốc đấu tranh chống tội phạm, chống buôn lậu. Khen thưởng kịp thời các đơn vị, cá nhân lập thành tích xuất sắc trong đấu tranh chống buôn lậu; xử lý nghiêm các trường hợp bao che, tiếp tay cho buôn lậu.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()