Bộ địa chí đầu tiên của triều Nguyễn
Trong số 26 tác phẩm đoạt Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ V-2022, “Hoàng Việt nhất thống dư địa chí” là ấn phẩm hội tụ các yếu tố để giành được giải thưởng cao nhất. Không chỉ công phu về tổ chức dịch, biên tập, bản thân cuốn sách thể hiện khát vọng ngàn đời của dân tộc ta về sự thống nhất lãnh thổ trên nền tảng độc lập dân tộc, chủ quyền được giữ vững.
Sau khi Vua Gia Long lên ngôi, đất nước ta thống nhất, rộng lớn chưa từng có, kéo dài từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau; nhưng đồng thời, tiềm ẩn nguy cơ chia cắt bởi sự đa dạng các vùng địa lý tự nhiên, văn hóa tộc người sau mấy trăm năm trải qua phân tranh, nội chiến giữa các thế lực phong kiến. Vì vậy, Vua Gia Long trong buổi đầu trị vì đã nhanh chóng sai Binh bộ Thượng thư Lê Quang Định (1759-1813) kê cứu sách vở, bản đồ trong cả nước để biên soạn bộ dư địa chí gồm 10 quyển, hơn 600 trang.
Bìa cuốn sách. |
“Hoàng Việt nhất thống dư địa chí” được hoàn thành năm 1806, là bộ địa chí đầu tiên của triều Nguyễn, phương pháp biên soạn và lối trình bày vẫn theo quy cách môn địa lý cổ, có nhiều hạn chế so với ngày nay. Nội dung cuốn sách còn sơ lược, vốn tập hợp từ những ghi chép của các quan lại địa phương, người biên soạn chỉ làm công việc chỉnh lý nên nhiều chỗ không khớp nhau, khó tra cứu.
Ưu điểm của tác phẩm với mục đích là cuốn sách chỉ dẫn địa lý, đã mô tả một cách chính xác về đường đi, các dịch trạm, địa danh, sông núi, khe suối, ngòi rạch, về cửa biển, kèm theo lời tường giải rất cụ thể. Đọc bộ sách này, độc giả không chỉ hình dung được một cách khá toàn diện về hình thể đất nước Việt Nam lúc bấy giờ, mà người đi đường, người đang làm công vụ cách đây hơn 200 năm hiểu rõ hơn từng vùng đất, từng nơi xa xôi, khó có thông tin cụ thể. Chính vì vậy mà bộ sách được triều Nguyễn đánh giá rất cao, đồng thời đã trở thành công cụ tra cứu chủ yếu cho các công trình địa chí tiếp theo, như bộ “Đại Nam nhất thống chí”-bộ địa chí lớn nhất của triều Nguyễn.
Một điều đáng tiếc của cuốn sách là sự ghi chép về phong tục, thổ sản, đặc trưng địa phương… không nhiều do thời gian biên soạn quá gấp gáp. Điều này khiến cuốn sách khó hấp dẫn bạn đọc ngày nay muốn đọc những ghi chép cụ thể của thể loại chí, nhằm hình dung rõ hơn xã hội Việt Nam cách đây hơn 200 năm. Bởi lẽ chí là một thể loại lấy việc ghi chép khách quan, trung tính về đối tượng, mô tả để thể hiện các đối tượng từ tổng thể đến chi tiết, đặc trưng đối tượng vốn có. Chí gốc là một thể loại của sử nhưng mang tính liên ngành, sử dụng các thủ pháp khác nhau để sắp xếp thông tin về đối tượng một cách có hệ thống.
Dẫu vậy, khi đọc cuốn sách, người đọc sẽ cảm thấy thú vị khi “bắt gặp” những địa danh ngày nay và cách đây hơn 200 năm trước không hề thay đổi, thật gần gũi và thân thương như: Cù lao Ông Chưởng (An Giang), Thủ Thiêm, Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh), sông Thạch Hãn (Quảng Trị), Thịnh Liệt, Khâm Thiên, Hàng Buồm (Hà Nội)… Cuốn sách cũng cung cấp một số cứ liệu lịch sử ít ỏi nhưng giá trị khi mô tả Thăng Long xưa là một đô thị bao quanh bởi các dòng sông, buôn bán tấp nập với vai trò lớn của hệ thống giao thông đường thủy.
Bản dịch “Hoàng Việt nhất thống dư địa chí” do nhà nghiên cứu Phan Đăng dịch và chú giải, được in lần đầu năm 2005 (Nhà xuất bản Thuận Hóa và Trung tâm Văn hóa-Ngôn ngữ Đông Tây), có kèm chữ Hán, với số lượng in không nhiều nên đến nay đã trở nên hiếm hoi. Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế, Công ty Cổ phần Sách Thái Hà, Nhà xuất bản Thế giới phối hợp tái bản tác phẩm địa chí cổ này với mong muốn giúp người đọc có thêm phương tiện tra cứu bổ ích.
Ý kiến ()