Bồ Đào Nha, Nga nhạt nhòa ngày chia tay
Bồ Đào Nha xứng đáng về nước
Trước khi đụng độ Ghana trong trận cầu sinh tử, Bồ Đào Nha thậm chí đã không còn nắm trong tay vận mệnh mình. Nhiệm vụ của họ gần như bất khả thi: thắng cách biệt Ghana ít nhất bốn bàn và chờ Đức đánh bại Mỹ. Vế sau, người Đức đã giúp họ toại nguyện khi đánh bại Mỹ với tỷ số tối thiểu 1-0. Nhưng vế đầu, Bồ Đào Nha đã không đủ sức hoàn thành. Chiến thắng 2-1 trước Ghana là không đủ để thầy trò Bento có vé đi tiếp (thua Mỹ hiệu số bàn thắng bại). Nhưng điều quan trọng hơn, trong tình cảnh bị dồn vào chân tường, Bồ Đào Nha đã không cho thấy đủ khát khao chiến thắng.
Ronaldo không thể giúp Bồ Đào Nha có vé đi tiếp.
Khi Ronaldo bị các hậu vệ lực lưỡng của Ghana theo sát như hình với bóng, Bồ Đào Nha gần như mất hết ý tưởng tấn công. Nani ở cánh đối diện chơi năng nổ nhưng kém hiệu quả: tung ra năm cú sút nhưng chỉ một lần đưa bóng trúng khung thành. Phải nhờ đến pha phản lưới nhà của trung vệ John Boye, Bồ Đào Nha mới có được bàn khai thông bế tắc. Đáng ra, Bồ Đào Nha đã có thể tận dụng thời cơ đó để tăng cường sức ép và ghi nhiều bàn thắng hơn. Nhưng họ đã thất bại vì không thể áp đặt lối chơi.
Bento vẫn giữ sơ đồ 4-3-3 kém hiệu quả, sơ đồ trước đó từng khiến họ thua tan nát trước Đức (0-4) hay bị Mỹ cầm hòa (2-2). Cả trận Bồ Đào Nha tung ra tới 19 cú sút nhưng chỉ đi trúng khung thành bảy lần. Đánh trung lộ không xong, Bồ Đào Nha chuyển hướng khoét cánh nhưng cũng chẳng thành: tạt tổng cộng 35 cú mà chỉ thành công sáu lần. Hai bàn thắng mà Bồ Đào Nha ghi được cũng đều là do đối thủ dâng tặng: bàn đầu là pha phản lưới nhà của Boye, bàn thứ hai là pha bắt bóng lỗi của thủ thành Fatau Dauda.
Với riêng cá nhân Ronaldo, dù ghi bàn ấn định chiến thắng nhưng đây thực sự là màn trình diễn đáng quên. Cả trận, Ronaldo tung ra tới tám cú sút (sáu lần đưa bóng trúng khung thành) nhưng bị thủ môn cản phá tới năm lần. Khi Bồ Đào Nha không thể phối hợp thoải mái dưới lối chơi thể lực áp sát của Ghana, khả năng rê dắt gây đột biến của Ronaldo được kỳ vọng rất nhiều. Song cầu thủ của Real Madrid chỉ có đúng một lần đi bóng qua người thành công trong cả trận, không tạo được bất cứ cơ hội ăn bàn nào cho đồng đội. Ngôi sao sáng nhất không thể tỏa sáng, có gì lạ khi Bồ Đào Nha phải dừng bước?
Đức, Mỹ đề huề
Dù chỉ cần một điểm để đi tiếp và dẫn đầu bảng nhưng HLV Joachim Low của ĐT Đức vẫn tung ra đội hình rất mạnh với sự góp mặt của nhiều trụ cột như: Ozil, Muller, Kroos, Lahm cùng bộ tứ vệ y nguyên như hai lượt trận trước (Boateng, Mertesacker, Hummels và Howedes). Đức miệt mài tấn công cả trận cứ như thể họ muốn nghiền nát Mỹ để cuộc đấu giữa Ghana và Bồ Đào Nha thêm ý nghĩa. Cả trận, các học trò của Joachim Low tung ra tổng cộng 13 pha dứt điểm (trúng đích sáu lần), tạo ra tám cơ hội ăn bàn (sáu trong số đó là trước khu vực vòng cấm địa), kiểm soát bóng tới 68% thời lượng đồng thời tung ra số pha tạt bóng vào vòng cấm gấp ba lần đối thủ (21 so với sáu lần của Mỹ).
Cổ động viên Mỹ vui mừng vì đội nhà đã lọt qua vòng bảng.
Chơi áp đảo như vậy nhưng chỉ nhờ pha tỏa sáng của Muller, Đức mới có được chiến thắng sít sao 1-0. Người Mỹ cũng chẳng có gì phải vội vã khi bị dẫn bàn bởi họ biết Bồ Đào Nha đang bị Ghana cầm chân trong trận đấu cùng giờ. Thế nên, người Mỹ chơi cực kỳ thực dụng, đúng như tính cách của mình. Cả trận, nhiệm vụ duy nhất của các cầu thủ Mỹ là lùi về thật đông trước vòng cấm, chơi tử thủ và phá trái bóng đi xa nhất có thể. Không hề lạ khi suốt 90 phút, các chân sút của Mỹ chỉ tung được vỏn vẹn bốn cú sút về phía cầu môn thủ thành Neuer và tất cả đều không trúng đích. Bù lại, các học trò của HLV Jurgen Klinsmann lại chơi phòng ngự cực tốt. Thủ thành Howard có tới năm pha cứu thua. Các cầu thủ phòng ngự của Mỹ cũng có tổng cộng 14 pha can thiệp cùng 26 lần phá bóng giải nguy.
Kết thúc vòng bảng bảng G, Đức dẫn đầu với 7 điểm cùng thành tích bất bại (hai thắng, một hòa), Mỹ giành vé thứ hai vào vòng knock-out khi cùng được 4 điểm nhưng hơn Bồ Đào Nha chỉ số phụ. Còn Bồ Đào Nha với Quả bóng vàng 2013 Ronaldo đành phải ngậm ngùi dừng cuộc chơi và trở thành đội bóng châu Âu thứ sáu phải nói lời tạm biệt World Cup.
Bảng H xướng danh những “ngựa ô”
Cuối cùng thì sau ba loạt trận, những chú ngựa ô thực sự của World Cup 2014 nằm tại bảng H đã xứng đáng giành tấm vé đi tiếp. “Quỷ đỏ châu Âu” là đội đã chắc xuất vào vòng 1-16 sau hai chiến thắng ra quân, giành trọn sáu điểm. Điều người hâm mộ quan tâm ở trận đấu thủ tục cuối cùng của đội tuyển Bỉ tại vòng bảng nhưng lại có tính chất bước ngoặt đối với Hàn Quốc sẽ diễn ra với thế trận Bỉ thi đấu “giữ chân” hay không? Thực tế, đội bóng của huấn luyện viên Marc Wilmots đã có một vài sự thay đổi nhỏ khi để các cầu thủ dự bị như Januzai, Borre, Chadli vào sân thi đấu. Tuy nhiên, với sơ đồ 4-3-3 quen thuộc cùng việc tiếp tục tung sử dụng cầu thủ dẫn dắt lối chơi Mertens trong đội hình ra quân cho thấy Bỉ vẫn hướng đến một chiến thắng nhằm lên dây cót cho vòng Knock-out.
Bên kia chiến tuyến, Hàn Quốc không còn gì phải mất khi xuất phát với đội hình 4-2-3-1 nhằm quyết tâm giành thế chủ động khu vực giữa sân và tấn công tổng lực. Tuy nhiên, những gì mà hàng tiền vệ của Hàn Quốc thể hiện sau 90 phút thi đấu thực sự nhạt nhòa trừ tiền vệ Lee Chung-Yong, người đã chạm bóng tới 70 lần trong trận đấu, trong khi Mertens chỉ có 38 lần. Và đó cũng chỉ là điểm nhấn duy nhất mà thế trận tấn công của Hàn Quốc thể hiện được. Hầu như mọi đường bóng của đội tuyển “xứ sở kim chi” đều bị khuất phục trong một ngày thi đấu chắc chắn của các tiền vệ Fellaini và Dembélé cùng hàng thủ dày dặn kinh nghiệm là Buyten và Lombaerts bên phía đội bóng châu Âu. Điều đáng tiếc là pha bóng dẫn đến thẻ đỏ của tiền vệ Defour những phút cuối hiệp một khiến cầu thủ thuộc biên chế Porto buộc phải vắng mặt trong trận đấu tiếp theo. Thi đấu hơn người nhưng bế tắc, Hàn Quốc thậm chí còn để thua sau pha làm bàn ở phút 77 của Jan Vertonghen để rồi chấp nhận rời khỏi cuộc chơi với duy nhất một điểm.
Hàn Quốc buồn bã chia tay WC 2014.
Diễn biến trận đấu còn lại giữa Nga và Algeria là việc “Gấu Nga” buộc phải thắng nếu không muốn xách va-li về nước. Trong khi đó, đối thủ đến từ châu Phi đã thể hiện một lối chơi rất hấp dẫn suốt hai vòng đấu qua cho thấy họ sẽ không dễ để người Nga cướp mất tấm vé đi tiếp, khi mà ưu thế đang nghiêng về Algeria với việc họ chỉ cần một trận hòa. Diễn biến của trận đấu phản ảnh rõ cục diện này. Đội tuyển Nga tỏ rõ khát khao chiến thắng khi thực hiện đến 502 đường chuyền cùng với việc tung ra chín cú sút trong đó có một pha thành bàn ngay phút thứ sáu của Alexander Kokorin. Tuy nhiên, sự khởi đầu trong mơ đó không kéo dài với việc đội bóng áo đỏ thể hiện sự xuống sức dưới khí hậu nóng ẩm khó chịu của Nam Mỹ và thi đấu bế tắc trước hệ thống phòng ngự chặt chẽ đậm chất thể lực của Algeria. Kết quả là phút 60, đội bóng châu Phi đã cân bằng tỷ số và buộc người Nga không thể có thêm bàn thắng để vượt lên những phút còn lại. Hòa 1-1 đồng nghĩa với việc Algeria xứng đáng là đội thứ hai đến từ Lục địa đen giành quyền vào vòng đấu loại trực tiếp.
Ý kiến ()