Bộ Công Thương xây dựng chương trình hành động cụ thể hóa 9 mục tiêu
Bộ Công Thương đang triển khai xây dựng Chương trình hành động của ngành để cụ thể hóa 9 mục tiêu mà Chính phủ giao trong năm 2021 thành các kịch bản tăng trưởng theo tháng, quý, giữa năm và năm.
Theo Bộ Công Thương, trước việc Chính phủ yêu cầu ngày 20/1/2021, các bộ, ngành sẽ phải hoàn thành xây dựng Kế hoạch triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, Bộ Công Thương đang tích cực triển khai xây dựng Chương trình hành động của ngành để cụ thể hóa 9 mục tiêu mà Chính phủ giao trong năm 2021 thành các kịch bản tăng trưởng theo tháng, quý, giữa năm và năm cho các ngành, lĩnh vực trọng điểm.
Cụ thể, các lĩnh vực gồm công nghiệp, điện, xuất nhập khẩu, thị trường trong nước và thương mại điện tử.
Bộ thiết lập hơn 100 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể với 29 đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công Thương trong năm 2021 được giao đến từng đơn vị thuộc Bộ để tổ chức thực hiện, dự kiến sẽ ban hành Chương trình hành động trước ngày 20/1/2021.
Theo Bộ Công Thương, chương trình hành động của ngành công thương sẽ giao trách nhiệm cho lãnh đạo Bộ, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ thường xuyên theo dõi, chỉ đạo thực hiện.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ tăng cường làm việc với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, các thị trường đối tác xuất nhập khẩu hàng hóa và các đơn vị có liên quan để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhằm bảo đảm hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu được Chính phủ giao cho ngành công thương.
Ngoài ra, chương trình hành động cũng là căn cứ để xem xét đánh giá các chỉ tiêu về thi đua khen thưởng cho cá nhân, đơn vị của Bộ trong năm 2021.
Chính vì vậy, trong năm 2021, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo thuận lợi cho phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng ngành công thương nhanh và bền vững trên cơ sở giữ vững ổn định các nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của ngành, đặc biệt là cân đối điện năng, cân đối cung cầu hàng hóa tiêu dùng trong nước và cán cân xuất nhập khẩu hàng hóa.
Mặt khác, Bộ Công Thương cũng tập trung nâng cao khả năng thích ứng và sức chống chịu của ngành trước các cú sốc từ bên ngoài để ổn định sản xuất, củng cố thị trường trong và ngoài nước, thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống đại dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển ngành công thương trong trạng thái bình thường mới.
Đặc biệt, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công thương gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao; tập trung phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với công nghệ thông minh, chuyển đổi số để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Ngoài ra, Bộ sẽ triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ khai thác và tận dụng hiệu quả ưu đãi từ các FTA; tập trung mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu, không để phụ thuộc quá lớn vào một thị trường, tập trung đẩy mạnh xuất khẩu qua các nền tảng thương mại điện tử.
Đáng lưu ý, Bộ Công Thương còn chú trọng phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh lưu thông và triển khai đồng bộ, linh hoạt các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa; kích thích tiêu dùng hàng Việt Nam và tăng cường xúc tiến thương mại gắn với đẩy mạnh xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()