Bộ Công Thương và VCCI ký kết chương trình phối hợp hoạt động
Chương trình phối hợp giữa Bộ Công Thương và VCCI bao trùm với các trụ cột chính, gồm hoạt động xây dựng, hoàn thiện pháp luật, bảo đảm quyền kinh doanh và tạo dựng môi trường thuận lợi.
Sáng 7/5, tại Hà Nội, Bộ Công Thương và Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam ( VCCI ) đã tổ chức Lễ ký kết Chương trình phối hợp hoạt động.
Phát biểu tại Lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá cao chương trình phối hợp giữa hai bên và cho rằng thời gian qua VCCI đã thể hiện được vai trò là một tổ chức có uy tín, tham mưu cho Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, kinh doanh và đại diện để bảo vệ quyền lợi và xúc tiến hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong điều kiện tiếp tục hoàn thiện thể chế thị trường và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
Theo Bộ trưởng, trong thời gian qua, cùng với sự phối hợp của VCCI, Bộ Công Thương đã tiếp nhận được nhiều ý kiến góp ý từ các doanh nghiệp, hiệp hội để góp phần hoàn thiện dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành…
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương luôn nỗ lực thực hiện công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư – kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp quản lý, tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp…
Tuy vậy, trước bối cảnh hội nhập sâu rộng, lãnh đạo VCCI đề nghị các bộ, ngành liên quan tăng cường phối hợp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp có thể tận dụng tốt các lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết.
Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như thời gian vừa qua, ông Lộc đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với VCCI để chủ động giúp doanh nghiệp có điều kiện tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng mới, cũng như có chiến lược chinh phục thị trường nội địa./.
Chương trình phối hợp lần này bao trùm với 3 trụ cột hành động chính, gồm hoạt động xây dựng, hoàn thiện, tuyên truyền, phổ biến thể chế, pháp luật, điều ước quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại; Bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp và Tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Để cụ thể hóa các trụ cột này, Chương trình cũng đã chỉ rõ một loạt các hoạt động rất cụ thể trong các ngành lĩnh vực của ngành công thương như công nghiệp, thương mại trong nước, thương mại quốc tế, cạnh tranh, quản lý thị trường, năng lượng và hội nhập kinh tế quốc tế. Chương trình cũng nêu rõ quyền, nghĩa vụ của hai bên trong thực hiện các hoạt động cũng như nêu rõ hai bên sẽ cụ thể hóa hơn nữa, có trọng tâm, trọng điểm các hoạt động theo Chương trình công tác từng năm. |
Ý kiến ()