Bộ Công Thương trả lời về các giải pháp kéo giảm giá xăng, dầu
Trả lời câu hỏi về việc giảm tiếp thuế bảo vệ môi trường để hạ nhiệt giá xăng, dầu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, vấn đề này đã được họp bàn, đề xuất. Quan điểm của Bộ Công Thương là “cái gì giảm được thì nên giảm”, song cũng cần được tính toán kỹ lưỡng tác động về mọi mặt của nền kinh tế.
Tại họp báo thường kỳ Bộ Công Thương được tổ chức chiều nay (16/6), với đề xuất giảm thuế, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Tài chính đã có đề xuất và sẽ cố gắng triển khai nhanh nhất. Tuy nhiên, ngoài việc giảm thuế, Bộ Công Thương cho rằng cần thực hiện thêm các biện pháp khác bằng cách hỗ trợ an sinh, hỗ trợ người yếu thế, tăng biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động…
“Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn còn ‘chập chờn’ với mức sản xuất họ có thể tạo ra. Vì thế, tháng 2 năm nay, Bộ Công Thương đã yêu cầu doanh nghiệp đầu mối tăng cường nhập khẩu”.
Đánh giá vấn đề nguồn cung là quan trọng nhất, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, sẽ ưu tiên sử dụng nguồn trong nước, nhưng cần có cam kết rõ ràng. Nếu doanh nghiệp không rõ ràng về mức sản xuất thì bắt buộc phải nhập để đảm bảo nguồn cung.
“Chưa nói đến giá cả, vấn đề nguồn cung cho xăng, dầu là nhiệm vụ rất lớn. Bộ Công Thương có trách nhiệm trong mọi tình huống phải phục vụ đủ nguồn cung mặt hàng xăng, dầu cho sản xuất kinh doanh và đời sống người dân”, ông Đỗ Thắng Hải Hải khẳng định.
Nhập ở đâu giá cũng như nhau
Cập nhật thông tin thêm về việc Malaysia sẽ bán 300.000 tấn xăng RON 95 cho Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay, các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu hiện nay đều tiếp cận với mức giá như nhau trên thị trường quốc tế. Hiện, Việt Nam đang tham chiếu theo sàn Singapore.
Với thị trường xăng dầu Malaysia, ông Đỗ Thắng Hải khẳng định “không có khác biệt”, bởi một số doanh nghiệp Việt Nam vẫn nhập từ Malaysia, tương đương các thị trường khác như Singapore chẳng hạn, và mức giá là như nhau.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Công Thương, khi nhắc tới việc giá cao hay thấp thì cũng cần tham khảo nhiều yếu tố. Tại kỳ điều chỉnh hôm 13/6 vừa qua, giá xăng, dầu Việt Nam tại thời điểm đó đứng thứ 85 trên bảng xếp hạng 170 quốc gia. Thứ hạng nay theo đánh giá của ông Đỗ Thắng Hải là ở mức trung bình.
Tuy nhiên, việc đánh giá cao-thấp cũng cần sự tổng thể trong sự so sánh toàn diện với mức thu nhập bình quân, nhu cầu như thế nào, đối tượng nào… Thứ trưởng Bộ Công Thương dẫn chứng: Với người thu nhập thì tác động sẽ khác, với những doanh nghiệp vận tải tác động sẽ khác.
Tiếp tục nghiên cứu về đề xuất bỏ Quỹ bình ổn giá xăng, dầu
Trả lời câu hỏi về đề xuất bỏ Quỹ bình ổn giá xăng, dầu (Quỹ BOG), bà Lê Việt Nga cho biết, việc này đang được Bộ Công Thương nghiên cứu, sau đó sẽ đưa ra ý kiến về việc có nên bỏ hay không.
Tuy nhiên, bà Nga khẳng định, Quỹ BOG này thời gian vừa qua hỗ trợ nhiều cho việc kiềm chế đà tăng giá xăng dầu, tránh những cộng hưởng tăng giá.
Ông Đỗ Thắng Hải thì cho rằng, Quỹ BOG như “hồ điều hòa”, phần “tiết kiệm” để lúc cần thì bỏ ra. Vừa qua, giá xăng dầu thế giới tăng mạnh nhưng ở trong nước tăng thấp hơn. Tuy nhiên, quỹ có mức độ, không thể lạm dụng quỹ, bởi có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Do đó, nếu bàn đến vấn đề bỏ Quỹ BOG cũng cần đưa ra biện pháp để đảm bảo hạn chế thấp mức tăng giá xăng, dầu tác động đến đời sống người dân và doanh nghiệp.
“Nếu nói bỏ thì đơn giản lắm, nhưng vấn đề tác động như thế nào thì phải xem xét. Nếu bỏ thì giá xăng, dầu có thể tăng sốc. Phiên điều hành giá vừa rồi nếu không sử dụng Quỹ BOG thì giá xăng, dầu có thể tăng tới 4.000-5.000 đồng”, ông Đỗ Thắng Hải nói.
Trước đó, Bộ Tài chính lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Giá (sửa đổi) nhằm khắc phục những hạn chế sau hơn 9 năm thi hành luật. Về việc bình ổn giá, Bộ Tài chính cho rằng cần được xác định là một biện pháp nhằm ứng phó với những biến động bất thường của giá cả trong những bối cảnh kinh tế xã hội nhất định.
Các biện pháp bình ổn giá cơ bản được kế thừa như luật hiện hành. Tuy nhiên, Bộ Tài chính có điều chỉnh theo nội dung chính sách bỏ các quy định về lập và sử dụng quỹ bình ổn giá.
Hiện nay, chỉ tồn tại Quỹ BOG, tuy nhiên gắn với quy định về đưa mặt hàng này vào diện quản lý theo giá tham chiếu thì đã có thể xem xét bỏ quỹ để giá xăng, dầu được vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường và tôn trọng các nguyên tắc thị trường.
Quỹ BOG là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất thời gian qua trong việc điều hành xăng, dầu. Nhiều doanh nghiệp cho rằng nên bỏ quỹ này, bởi thực tế vừa qua giá xăng tăng sốc, quỹ không có tác động nhiều.
Ý kiến ()