Bộ Công Thương tiếp tục rà soát cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh
Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp và người dân – Ảnh minh họa |
Đây là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Công Thương tại Chỉ thị về tiếp tục rà soát để cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh và cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp và người dân.
Bộ Công Thương là một trong những Bộ đi đầu trong công tác xây dựng phương án đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính; điều kiện đầu tư kinh doanh và cải cách kiểm tra chuyên ngành; Nỗ lực cải cách của Bộ Công Thương tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện quy định, thủ tục hành chính là một trong những điều kiện quan trọng góp phần cải thiện vị trí xếp hạng chỉ số Parindex của Bộ trong những năm qua liên tục có những bước tiến vượt bậc. Trong năm 2019, công tác rà soát cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, cải cách kiểm tra chuyên ngành tiếp tục được Bộ đặc biệt quan tâm chỉ đạo và hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, tạo điểm nhấn quan trọng, tác động tích cực đến người dân, doanh nghiệp, tạo lập niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào hoạt động phục vụ của các cơ quan công quyền.
Trong năm 2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị các đơn vị thuộc Bộ phối hợp tổ chức thực hiện nghiêm túc các công việc sau: Vụ Pháp chế làm đầu mối công khai bảng điều kiện kinh doanh đã được cắt giảm, đơn giản hóa tại Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương sau khi Nghị định có hiệu lực. Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các Luật có liên quan để bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh được quy định tại các Luật chuyên ngành theo phương án đã được phê duyệt.
Vụ Khoa học và Công nghệ, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục Công nghiệp, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững phối hợp với các đơn vị liên quan: Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nguyên tắc cải cách về quản lý, kiểm tra chuyên ngành, gồm: (i) áp dụng quản lý rủi ro dựa trên cơ sở đánh giá, phân tích về mức độ tuân thủ của doanh nghiệp và mức độ, quy mô rủi ro của hàng hóa; (ii) chuyển mạnh từ chủ yếu thực hiện kiểm tra tại giai đoạn thông quan hàng hóa sang chủ yếu giám sát tại thị trường nội địa; (iii) công bố công khai danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành kèm mã số HS ở cấp độ chi tiết, cách thức quản lý chuyên ngành về xuất khẩu, nhập khẩu tương ứng và chi phí mà doanh nghiệp phải trả, hình thức công khai phải đảm bảo phù hợp, dễ tiếp cận; (iv) áp dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4: Hoàn thành trong năm 2020.
Đồng thời hoàn thành rà soát, cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành thuộc danh mục mặt hàng quản lý, kiểm tra chuyên ngành tính tại thời điểm ban hành Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15/5/2018.
Bộ Công Thương cũng yêu cầu công bố công khai đầy đủ trên Trang thông tin điện tử của Bộ quản lý chuyên ngành về danh mục với mã HS tương ứng kèm theo Bảng so sánh danh mục mặt hàng quản lý, kiểm tra chuyên ngành trước và sau khi cắt giảm: Hoàn thành trong quý I năm 2020.
Ý kiến ()