Bộ Công Thương lý giải về thời điểm tăng giá điện
Ảnh minh hoạ |
Theo Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg, giá điện sẽ được xem xét điều chỉnh từ tháng 6/2018 (sau 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất là ngày 1/12/2017). Tuy nhiên, căn cứ thực tế các yếu tố chi phí đầu vào cấu thành giá điện và để đảm bảo ổn định giá cả, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2018, Chính phủ đã quyết định không điều chỉnh giá điện trong năm 2018. Việc không điều chỉnh giá điện trong năm 2018 đã góp phần kiềm chế lạm phát ở mức 3,54% và giúp tăng trưởng tổng sản phẩm GDP đạt 7,08%.
Đảm bảo chỉ số CPI không quá 4%
Việc điều chỉnh giá điện này dựa trên cơ sở tính toán kịch bản điều hành giá, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành đã yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng các kịch bản điều hành giá điện đảm bảo đồng bộ với việc điều chỉnh giá khí trong bao tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội và các yếu tố biến động đầu vào của chi phí và giá thành điện vào thời điểm phù hợp trên cơ sở đảm bảo kiểm soát lạm phát năm 2019 trong khoảng 3,3-3,9%.
Ngay sau đó, Bộ Công Thương có Báo cáo tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phương án điều chỉnh giá điện năm 2019 với các phương án tăng giá 7,31%; 8,36% và 9,26%.
Phương án tăng 8,36% so với mức giá bán lẻ điện bình quân hiện hành đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý và yêu cầu Bộ Công Thương lựa chọn thời điểm thích hợp trong khoảng từ ngày 15/3/2019 đến ngày 30/3/2019 để thực hiện việc điều chỉnh.
Bộ Công Thương cho biết, việc cân nhắc lựa chọn thời điểm tăng giá (từ ngày 15 đến ngày 30/3) là theo đề xuất của liên Bộ và Tổng cục Thống kê. Bởi, theo quy luật, chỉ số CPI thường tăng cao vào tháng 2 (dịp nghỉ tết Âm lịch) và sẽ giảm mạnh trong tháng 3, nên sẽ không tác động nhiều đến chỉ số CPI bình quân cả năm và kiềm chế được lạm phát kỳ vọng.
Theo đánh giá của liên Bộ Công Thương, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Tổng cục Thống kê, dự kiến điều chỉnh giá điện bán lẻ bình quân tăng bình quân 8,36% vào ngày 20/3/2019 sẽ làm CPI cả năm tăng 0,3%.
Mặt khác, việc cân nhắc thời điểm điều chỉnh giá điện vào ngày 20/3/2019, đã được Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá tính toán tổng thể để đồng bộ với các điều chỉnh về giá xăng dầu, giá dịch vụ y tế, học phí, dự kiến CPI của tháng 3/2019 và cả năm 2019 nhằm đảm bảo CPI của cả năm nằm trong khoảng từ 3,3-3,9%, thấp mức CPI chỉ tiêu 4% đã được Quốc hội thông qua.
Theo tính toán tổng thể các yếu tố giá năm 2019 của Tổng cục Thống kê, khi thực hiện điều chỉnh giá điện thì CPI bình quân chung năm 2019 tăng trong khoảng 3,3-3,9%. Với mức tăng CPI này, việc điều chỉnh giá điện vẫn đảm bảo mục tiêu CPI năm 2019 được Quốc hội thông qua là dưới 4%.
Dẫn chứng rõ hơn, Bộ Công Thương cho biết, tính đến hết tháng 4/2019 (số liệu của Tổng cục Thống kê), chỉ số giá nhóm điện sinh hoạt tăng 0,33% trong tháng 3/2019; tăng 1,85% trong tháng 4/2019; dự kiến tăng 6,5% trong tháng 5/2019; tổng tác động 3 tháng vừa qua làm tăng chỉ số CPI khoảng 0,21%.
Tổng hợp 4 tháng, CPI thực hiện bình quân tăng 2,71% so cùng kỳ năm 2018, đây là mức tăng bình quân 4 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây.
Tại sao sử dụng “giá điện bậc thang”?
Theo Bộ Công Thương, điện năng là một hàng hóa đặc biệt, việc sản xuất và tiêu dùng diễn ra đồng thời, việc lưu trữ điện năng rất đắt và tốn kém. Khi huy động các nhà máy điện phát điện, về nguyên tắc ngành điện sẽ huy động các nhà máy điện có giá rẻ phát điện trước, nhà máy có giá đắt phát điện sau cho đến khi đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện của khách hàng.
Với đặc điểm này, nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, hiện nay rất nhiều nước trên thế giới kể cả các nước tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc hay các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philipines… đều áp dụng giá điện theo các bậc thang và giá điện theo bậc thang sau cũng cao hơn so với bậc thang đầu tương tự như Việt Nam.
Ví dụ, tại bang California (Mỹ), giá điện hộ gia đình áp dụng giá 3 bậc tăng dần từ 19 cent/kWh lên đến 42 cent/kWh với giá bậc cao nhất gấp 2,2 lần so với bậc 1. Tại Hàn Quốc, bên cạnh giá cố định khách hàng phải trả hàng tháng, khách hàng còn trả thêm giá biến đổi với 3 bậc tăng dần với bậc 1 (mức tiêu thụ 1-200 kWh/tháng) là 93,3 won/kWh, bậc cao nhất (mức tiêu thụ trên 400 kWh/tháng) là 280,6 won/kWh cao gấp 3 lần bậc 1.
Hay tại Thái Lan ở khu vực Bangkok, hộ sử dụng điện sinh hoạt trên 150 kWh/tháng gồm 2 thành phần cố định và biến đổi; trong đó giá biến đổi có 3 bậc tăng dần từ 1,8047 Baht/kWh lên 2,978 Baht/kWh (giá bậc cao nhất gấp 1,65 lần so với bậc 1).
Theo số liệu thống kê năm 2018 của EVN, trên cả nước, số hộ có mức sử dụng dưới 50 kWh/tháng là 3,9 triệu hộ, chiếm 15,11% tổng số hộ sử dụng điện cho sinh hoạt; Số hộ có mức sử dụng từ 50 kWh/tháng đến 100 kWh/tháng là 5,32 triệu hộ, chiếm 20,54% tổng số hộ sử dụng điện cho sinh hoạt.
Đối với những ý kiến cho rằng cần điều chỉnh lại các bậc trong biểu giá điện bậc thang hiện nay, Bộ Công Thương cho biết, Bộ này đã xem xét, kiểm tra tính toán điều chỉnh cơ cấu giá bán lẻ điện sinh hoạt theo các kịch bản giảm từ 6 bậc xuống 5, 4, 3 bậc.
Tuy nhiên, kết quả tính toán các kịch bản cho thấy việc điều chỉnh số bậc sẽ ảnh hưởng đến nhóm khách hàng thu nhập trung bình, thấp dưới 100 kWh và từ 201 – 300 kWh/tháng (năm 2018 tổng số các hộ này là khoảng 12,97 triệu hộ chiếm tới 50,1% trên tổng số 25,89 triệu hộ sinh hoạt).
“Trong thời gian tới, tiếp thu ý kiến của các hộ sử dụng điện, các cơ quan báo chí, các nhà kinh tế, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu xem xét lại quy định về các bậc thang trong biểu giá điện sinh hoạt nhằm đảm bảo phù hợp với thực tế sử dụng điện của các hộ sử dụng điện, đánh giá đầy đủ tác động của việc điều chỉnh đến các nhóm khách hàng, đặc biệt tác động đến các nhóm khách hàng thu nhập trung bình và thu nhập thấp. Đồng thời tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho các hộ chính sách, hộ nghèo theo qui định”, báo cáo nêu.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()