Bộ Công Thương giảm thiểu thời gian, chi phí trong khai báo trực tuyến
Bộ Công Thương đã liên tục cải tiến quy trình cấp phép, nâng cấp hệ thống điện tử với mục tiêu tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong khai báo, giảm thiểu thời gian xử lý và cấp phép hồ sơ, thủ tục.
Nhằm cải cách thủ tục hành chính và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thời gian qua Bộ Công Thương đã liên tục cải tiến quy trình cấp phép, nâng cấp hệ thống điện tử với mục tiêu tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc khai báo, giảm thiểu thời gian xử lý và cấp phép hồ sơ , thủ tục giấy tờ.
Theo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), tính đến cuối tháng Một, Bộ Công Thương đã triển khai 47 dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực xuất nhập khẩu ở cấp độ ba và bốn trên Cổng dịch vụ công trực tuyến Bộ Công Thương tại địa chỉ http://online.moit.gov.vn.
Đáng lưu ý, đây đều là những thủ tục hành chính có số lượng hồ sơ nhiều, ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu, kinh doanh của doanh nghiệp.
Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy đã có gần 1,5 triệu hồ sơ xuất nhập khẩu được xử lý trực tuyến; trong đó, một số dịch vụ công trực tuyến xuất nhập khẩu tiêu biểu như cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) hơn 1,4 triệu hồ sơ; khai báo hóa chất nhập khẩu gần 50.900 hồ sơ.
Cục Xuất Nhập khẩu cho biết, bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu nội tại về phát triển kinh tế, tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư và kinh doanh trong nước, điều này còn thể hiện sự nỗ lực của Bộ Công Thương đối với các cam kết hội nhập khu vực, nâng cao vị thế của quốc gia, tạo thuận lợi thương mại quốc tế.
Nhiều doanh nghiệp tỏ ra hài lòng trước việc cấp C/O qua Internet đã giúp hàng hóa được thông quan nhanh chóng, giảm thiểu thời gian, chi phí… Đặc biệt, việc cấp C/O qua Internet còn giúp minh bạch nguồn gốc xuất xứ, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm của doanh nghiệp.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã kết nối 11 dịch vụ công trực tuyến với cơ chế một cửa quốc gia (NSW) bao gồm cấp giấy phép xuất nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp; giấy phép nhập khẩu các chất làm suy giảm tầng ôzôn; giấy phép nhập khẩu tự động môtô phân khối lớn; giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D; giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu kim cương thô; khai báo hóa chất; thủ tục cấp giấy phép xuất nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp; thủ tục cấp giấy phép xuất nhập khẩu tiền chất sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp; thủ tục nhập khẩu thuốc lá nhằm phi thương mại; thủ tục đề nghị cấp văn bản chấp thuận tham gia thí điểm tự chứng nhận xuất xứ trong ASEAN; thủ tục thông báo chỉ tiêu nhập khẩu nguyên liệu thuốc lá, giấy cuốn điếu thuốc lá.
Hiện tại, Bộ Công Thương đã xử lý 164.152 hồ sơ điện tử thông qua NSW. Riêng đối với thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D, Bộ Công Thương đã gửi sang NSW và cơ chế một cửa ASEAN (ASW) 117.377 hồ sơ điện tử.
Đây là chứng từ điện tử đầu tiên của Việt Nam được gửi ra nước ngoài, tạo tiền đề, đòn bẩy để Việt Nam tiếp tục trao đổi, xử lý trực tuyến các chứng từ thương mại khác dưới dạng điện tử với các nước, khối-cộng đồng kinh tế theo các thỏa thuận và cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Đặc biệt, từ nay đến năm 2020, toàn bộ các thủ tục hành chính liên quan đến quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập khẩu sẽ kết nối vào NSW.
Dự kiến đến năm 2020, Bộ Công Thương sẽ hoàn thành triển khai mở rộng ra phạm vi toàn quốc các thủ tục hành chính liên quan đến quản lý nhà nước lĩnh vực hàng hóa của Bộ Công Thương thông qua NSW.
Mặt khác, đảm bảo các chứng từ (giấy phép điện tử, giấy chứng nhận điện tử và các văn bản điện tử tương đương) cấp thông qua NSW được sử dụng khi thực hiện các thủ tục hành chính khác có liên quan.
Để đạt được các mục tiêu trên, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính đưa một số thủ tục hành chính đã kết nối với NSW sang kết nối với kỹ thuật cơ chế một cửa ASEAN.
Cùng với đó, Bộ Công Thương chủ động đàm phán với một số nước, vùng lãnh thổ để triển khai các cam kết quốc tế liên quan đến thủ tục hành chính về xuất nhập khẩu theo hình thức điện tử, trực tuyến.
Hơn nữa, Bộ sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật nhằm hỗ trợ cho các dịch vụ công trực tuyến được triển khai thuận lợi; phối hợp với Bộ Tài chính đẩy mạnh tuyên truyền, đào tạo về NSW, ASW…
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/06/2011 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, dịch vụ công trực tuyến là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng.
Dịch vụ công trực tuyến mức độ một là dịch vụ bảo đảm cung cấp đầy đủ các thông tin về thủ tục hành chính và các văn bản có liên quan quy định về thủ tục hành chính đó.
Dịch vụ công trực tuyến mức độ hai là dịch vụ công trực tuyến mức độ một và cho phép người sử dụng tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu. Hồ sơ sau khi hoàn thiện được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.
Dịch vụ công trực tuyến mức độ ba là dịch vụ công trực tuyến mức độ hai và cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.
Dịch vụ công trực tuyến mức độ bốn là dịch vụ công trực tuyến mức độ ba và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()