Bộ Công thương đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp
Việt Nam đang nỗ lực thực hiện công tác tái cơ cấu doanh nghiệp. Để góp phần thực hiện thành công công tác này, thời gian qua Bộ Công thương đã chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tái cơ cấu doanh nghiệp và thực hiện quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu được giao đối với các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty, công ty trực thuộc Bộ.
Theo số liệu của Bộ Công thương, đến nay, tất cả các tập đoàn, các tổng công ty, công ty trực thuộc Bộ đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2012-2015. Trong lĩnh vực quản lý doanh nghiệp, với chức năng thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước được phân công quản lý các doanh nghiệp, Bộ Công thương đã triển khai thực hiện các quy định có liên quan. Bộ cũng đã ban hành một số các quy định nhằm đưa công tác quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp được phân công quản lý vào nền nếp, đúng với tinh thần Nghị quyết Trung ươ 3, Trung ương 6 (khoá XI) của Đảng. Đối với các tổng công ty do Bộ được giao trực tiếp quản lý, Bộ Công thương đã ban hành các quyết định phê duyệt Đề án tái cơ cấu của Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam, Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp. Ngoài ra, Bộ Công thương cũng đã có ý kiến bằng văn bản gửi người đại diện phần vốn nhà nước tại các tổng công ty, công ty cổ phần về Đề án tái cơ cấu của doanh nghiệp để người đại diện phần vốn nhà nước tại các đơn vị đó có cơ sở pháp lý đưa ra Đại hội cổ đông biểu quyết thông qua các chủ trương liên quan đến công tác tái cơ cấu doanh nghiệp theo đúng yêu cầu của Đảng và Chính phủ cũng như sự chỉ đạo của Bộ.
Bộ đã rà soát, xác định lại nhiệm vụ, ngành nghề kinh doanh chính. Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chỉ lao động những ngành chính và những ngành liên quan phục vụ trực tiếp ngành, nghề kinh doanh chính; đã kiên quyết thoái vốn tại những ngành nghề không thuộc diện ngành nghề kinh doanh chính như ngân hàng, tài chính, chứng khoán hoặc bất động sản. Chẳng hạn, đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đây là Tập đoàn kinh tế đầu tiên của Bộ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu giai đoạn 2012-2015. Theo đề án của EVN, Tập đoàn này không có đơn vị thuộc diện cổ phần hoá, chỉ có các đơn vị thuộc diện thoái vốn và giảm vốn góp đến hết năm 2015. EVN đã hoàn thành việc chuyển nhượng 1 triệu cổ phần tại Công ty cổ phần Bảo hiểm toàn cầu (GIC) sang Công ty International ERGO, giảm tỷ lệ sở hữu của EVN từ 22,5% xuống còn 20%, thu về 26 tỷ đồng.
Hoặc như Tập đoàn Dệt May Việt Nam (VINATEX), đây là Tập đoàn kinh tế nhà nước đầu tiên thực hiện cổ phần hoá. Song song với việc triển khai thực hiện cổ phần hoá, Tập đoàn đã hoàn thành thoái vốn ở 7 đơn vị, với tổng số tiền thu được là 204,1 tỷ đồng (giá gốc ban đầu là 161,5 tỷ đồng). Số vốn này chủ yếu được các đơn vị của VINATEX góp vốn thuộc các ngành nghề phải thoái vốn theo quy định như ngân hàng, các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh bia, đầu tư bất động sản…
Đối với các công ty trực thuộc Bộ, năm 2012-2013, Bộ Công thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp trực thuộc quán triệt việc triển khai tái cơ cấu doanh nghiệp mà trọng tâm là công tác sắp xếp, cổ phần hoá. Trong 2 năm này, đã tiến hành cổ phần hoá được 4 doanh nghiệp, trong đó có 3 doanh nghiệp đã đại hội cổ đông thành lập công ty cổ phần, 1 doanh nghiệp đã bán xong cổ phần. Cũng trong năm 2013, đã tiến hành bàn giao 2 doanh nghiệp cổ phần hoá còn vốn nhà nước của Bộ Công thương về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước.
Nhìn chung, công tác sắp xếp, cổ phần hoá doanh nghiệp của Bộ Công thương đã đạt những kết quả tích cực, nhưng do khó khăn trong xác định giá trị doanh nghiệp, trong xử lý công nợ và tồn đọng do lịch sử để lại, nên việc cổ phần hoá chưa đạt được tiến độ như mong đợi, như: Công ty Điện máy và Đầu tư, Công ty Thực phẩm và Đầu tư FOCOCEV,… Bộ Công thương phấn đấu đến hết năm 2015 sẽ hoàn thành sắp xếp các doanh nghiệp trực thuộc theo đúng Đề án tổng thể tái cơ cấu doanh nghiệp ngành Công thương giai đoạn 2012-2015.
Mặt khác, mặc dù đã có những quy định về quản lý viên chức lãnh đạo tại các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước cũng như tại các doanh nghiệp đã cổ phần hoá, nhưng trong giai đoạn vừa qua, vẫn còn xảy ra những trường hợp mâu thuẫn, chủ yếu giữa những người đứng đầu doanh nghiệp, trong hội đồng thành viên, hội đồng quản trị, gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của doanh nghiệp và của ngành. Đối với việc quản lý các tập đoàn kinh tế cũng như các tổng công ty, trong thời gian qua do chưa phân định rõ trách nhiệm của chủ sở hữu, do vậy, còn xảy ra tình trạng buông lỏng quản lý, nhất là trong công tác đầu tư, quản lý dự án, tổ chức cán bộ, ảnh hưởng đến vai trò quản lý nhà nước của Bộ…
Để tiếp tục sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, thời gian tới, Bộ Công thương tiếp tục đẩy mạnh thoái vốn, giảm vốn nhà nước, nhất là trong các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bất động sản; tiếp tục tập trung chỉ đạo sắp xếp, đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty; rà soát, sắp xếp, cơ cấu lại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực, ngành Công thương theo định hướng, tiêu chí ngành; đề xuất phương án tổ chức lại doanh nghiệp nhà nước trực thuộc theo hướng chuyên môn hoá, phân công, hợp tác, không phân tán nguồn lực…
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()