Bộ Công an nói gì về quy định cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn lái xe?
Bộ Công an cho rằng điều kiện giao thông và văn hóa tiêu thụ rượu bia ở Việt Nam rất đặc thù nên cần duy trì nồng độ cồn bằng 0 với lái xe.
Bộ Công an đang lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị về dự thảo báo cáo, giải trình một số nội dung mới trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (dự luật). Dự luật được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ sáu vừa qua.
Về hành vi cấm “điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, theo Bộ Công an, sử dụng rượu bia khi lái xe là vấn đề xã hội không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới.
Hiện nay, các quốc gia xử lý rất nghiêm lái xe có nồng độ cồn nhưng chia làm 2 nhóm, gồm nhóm các quốc gia nghiêm cấm tuyệt đối và nhóm các quốc gia quy định về ngưỡng nồng độ cồn trong máu, trong hơi thở được phép đối với người lái xe, theo đối tượng: Mức chuẩn, người lái xe thương mại và người lái xe mới.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, Bộ Công an nhận định, điều kiện văn hóa và giao thông ở Việt Nam hiện nay thực sự rất cần nồng độ cồn bằng 0 khi lái xe. Bởi điều kiện giao thông ở Việt Nam hiện có nhiều đặc thù, giao thông trên đường tại Việt Nam đòi hỏi tài xế phải duy trì sự tỉnh táo và sự phản xạ nhanh hơn rất nhiều lần nếu tình huống bất ngờ xảy ra.
Kết quả khảo sát cho thấy, Việt Nam là nước có mức tiêu thụ rượu, bia thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới. Bộ Công an cho rằng, tỷ lệ này “đáng báo động”. Hơn 50% vụ án giết người; gây rối trật tự công cộng; hiếp dâm; vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, người phạm tội trước khi gây án có sử dụng rượu bia. Do đó, việc kiểm soát chặt chẽ nồng độ cồn giúp bảo đảm an toàn giao thông và trật tự xã hội.
Trong khi văn hóa ẩm thực của Việt Nam có nhiều điểm đặc thù, có tính cả nể, nếu quy định nồng độ bằng 0 thì không uống, nhưng nếu có một hạn mức nào đó thì lái xe có thể gặp trường hợp bị ép uống, Bộ Công an phân tích.
Bên cạnh đó, Bộ Công an cho rằng, đồ uống có cồn gây nghiện, đã bắt đầu uống là không dễ dừng, mà khi đã say thì sẽ khó nhớ luật quy định gì.
“Có trường hợp nhậu từ hôm trước mà hôm sau vẫn bị phạt vì uống quá nhiều hoặc do cơ địa. Nhiều người hôm trước nhậu say, hôm sau vẫn váng đầu nhức óc cả ngày, ảnh hưởng tới khả năng lái xe. Việc lái xe trong trạng thái thiếu tỉnh táo có thể gây ra thảm họa với những người vô tội như một số trường hợp lái xe say rượu gây tai nạn liên hoàn”, Bộ Công an dẫn chứng.
Ngoài ra, theo Bộ Công an, ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân hiện nay chưa tốt, xem thường, cố ý vi phạm, thậm chí thách thức lực lượng chức năng khi bị kiểm tra, xử lý. Việc này có thể “cướp đi sinh mạng của nhiều người”, do đó pháp luật cần nghiêm khắc.
Bộ Công an cũng nhấn mạnh, quy định cấm người lái xe sau khi sử dụng rượu, bia (trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn) đã được quy định tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Luật không cấm uống rượu, bia mà chỉ cấm uống rượu, bia sau đó lái xe.
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()