Thực hiện Kết luận số 74-KL/T.Ư của Bộ Chính trị và Chương trình làm việc đợt 2 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc cho ý kiến vào dự thảo văn kiện và phương án công tác nhân sự đại hội đảng bộ tỉnh, thành phố và đảng bộ trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ 2010-2015, trong các ngày 9, 10, 11, 14 và 16-8, tại Trụ sở Trung ương Đảng, các đồng chí: Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Trương Vĩnh Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc; Đại tướng Lê Văn Dũng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐNDVN; Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương đã làm việc với Ban Thường vụ, các Tỉnh ủy tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên, Bắc Cạn, Yên Bái để cho ý kiến về công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ của các tỉnh này. Cùng dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.
Tại các buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các Đảng bộ tỉnh đã trình bày dự thảo Báo cáo chính trị, Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2005-2010; Dự thảo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và phương án công tác nhân sự nhiệm kỳ 2010-2015. Sau khi đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương đóng góp ý kiến; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư phát biểu ý kiến, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Bộ Chính trị kết luận các buổi làm việc.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh các Đảng bộ Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên, Bắc Cạn, Yên Bái đã công phu, nghiêm túc chuẩn bị các dự thảo văn kiện và phương án công tác nhân sự trình Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010-2015, theo đúng quy trình hướng dẫn của Trung ương, đồng thời phát huy được dân chủ, trí tuệ trong toàn Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên, Bắc Cạn, Yên Bái trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị… Đều là những tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng bộ, nhân dân các tỉnh đã đoàn kết phấn đấu, đạt nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng GDP đều đạt và vượt chỉ tiêu đã đề ra, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, trong nông nghiệp đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Các tỉnh đã quan tâm thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển và bước đầu phát huy được tiềm năng, thế mạnh từ đất và rừng, thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế cửa khẩu, công nghiệp khai khoáng…
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận trên nhiều lĩnh vực, với các tỉnh miền núi, biên giới phía bắc, khó khăn thách thức vẫn còn nhiều. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Đại hội là dịp quan trọng để nhìn nhận lại những thành tựu và hạn chế, lợi thế và khó khăn, phân tích làm rõ nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm, từ đó xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, đề ra các biện pháp thực hiện có tính khả thi cao. Việc tổng kết, đánh giá thực tiễn cần sát với tình hình ở mỗi địa phương, đồng thời phải đặt trong bối cảnh chung của cả nước, đó là tổng kết, đánh giá việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm, 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, 25 năm thực hiện công cuộc Đổi mới. Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đồng thời phù hợp với đường lối phát triển chung của cả nước, mỗi tỉnh cần có định hướng phát triển lâu dài, không chỉ 5 năm, mà thậm chí 10 năm, 20 năm tới; đặt quyết tâm cao để thực hiện cho được các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, tiếp tục vươn lên, sớm thoát khỏi tình trạng kém phát triển.
Đại hội còn là dịp để Ban chấp hành Đảng bộ các tỉnh nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm công tác lãnh đạo, chỉ đạo, từ đó tiếp tục cải tiến phương thức, lề lối làm việc, nâng cao tính chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.
Về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh trong nhiệm kỳ 2010-2015, đồng chí Nguyễn Phú Trọng lưu ý, cùng với các chỉ tiêu nhiệm vụ về tăng trưởng kinh tế, các tỉnh cần chú trọng hơn nữa việc xây dựng các chỉ tiêu, nhiệm vụ về bảo đảm an sinh xã hội, về xây dựng và phát triển Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, nhưng xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Các Đảng bộ cần tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, bảo đảm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế – xã hội, tiếp tục phát triển nhanh và bền vững.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao công tác chuẩn bị của các Đảng bộ về phương án nhân sự, được tiến hành chặt chẽ, công phu, đúng quy trình, hướng dẫn của Trung ương, có kế thừa và có đổi mới, bảo đảm tương đối hợp lý về cơ cấu, nhất là về tiêu chuẩn cán bộ. Một số tỉnh đã bảo đảm được tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số, tuy nhiên nguồn cán bộ trẻ (dưới 40 tuổi) vẫn còn ít. Cùng với việc bảo đảm cơ cấu thì tiêu chuẩn cán bộ vẫn là yếu tố quyết định, các Đảng bộ cần chú trọng công tác phát triển Đảng, quy hoạch, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ cho lâu dài.
Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai, đồng chí Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Mặc dù có nhiều tiềm năng lợi thế so với các tỉnh trong khu vực và thời gian qua đã có bước phát triển khá nhanh, nhưng Lào Cai vẫn là tỉnh miền núi biên giới còn nhiều khó khăn. Trong giai đoạn sắp tới, tỉnh cần tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, vươn lên thu hẹp khoảng cách phát triển với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, phấn đấu trở thành một trung tâm giao lưu kinh tế, văn hóa ở phía bắc. Tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, Lào Cai cần thực hiện tốt các chính sách xã hội, chăm lo cải thiện đời sống đồng bào các dân tộc, nhất là ở vùng núi cao, bảo đảm an toàn cho nhân dân vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, bảo vệ môi trường sinh thái. Bên cạnh đó, tỉnh cần chú trọng đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ yêu cầu phát triển toàn diện cả công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ – du lịch, quyết tâm cao xây dựng Lào Cai ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Đối với Hà Giang, đồng chí Nguyễn Phú Trọng lưu ý, để sớm thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, tỉnh cần tranh thủ tối đa, đồng thời quan tâm thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát huy cho được tiềm năng lợi thế từ đất và rừng, tiềm năng kinh tế cửa khẩu, chăm lo đời sống đồng bào các dân tộc, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới. Để thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, Hà Giang cần quan tâm hơn nữa công tác xây dựng Đảng, cả về tổ chức và con người, đổi mới phương thức, lề lối làm việc, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; quan tâm đào tạo cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở, vùng sâu, vùng xa.
Tuy đã có nhiều đổi mới, nhưng Điện Biên vẫn là tỉnh nghèo, sản xuất chậm phát triển, quy mô kinh tế nhỏ bé. Trong nhiệm kỳ tới, để sớm thoát khỏi tình trạng kém phát triển, đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Điện Biên cần xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm, địa bàn trọng điểm, mặt hàng chủ lực, thứ tự các công việc cần ưu tiên làm trước, làm sau. Thúc đẩy phát triển công nghiệp, nhưng phải có chọn lọc, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, phòng chống thiên tai, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, kiên quyết đấu tranh phòng chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, trong đó có tệ nạn ma túy. Điện Biên cần chú trọng đúng mức công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính quyền, đổi mới phương thức lãnh đạo, phát huy vai trò của tổ chức đảng và đảng viên, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực, nhận thức của đội ngũ cán bộ, phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm.
Đánh giá cao công tác chuẩn bị của Đảng bộ Bắc Cạn cả về xây dựng văn kiện và phương án công tác nhân sự, vừa sát với thực tế ở địa phương, vừa có tính tổng quát, gắn với bối cảnh chung của cả nước, đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý: là quê hương giàu truyền thống yêu nước cách mạng, Bắc Cạn cần tăng cường đoàn kết các dân tộc, phát huy mọi nguồn lực, đồng thời quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, đặt quyết tâm cao để sớm đưa Bắc Cạn ra khỏi tình trạng kém phát triển. Tỉnh cần chú trọng khai thác tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp, lâm nghiệp, tập trung sản xuất các mặt hàng chủ lực, theo hướng sản xuất hàng hóa. Việc khai thác tài nguyên rừng, khai thác khoáng sản phải gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, chế biến sâu, mang lại thu nhập ổn định cho nhân dân.
Với Yên Bái, đồng chí Nguyễn Phú Trọng cho rằng, trong giai đoạn sắp tới, tỉnh cần tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh của một tỉnh có vị trí trung tâm ở khu vực Tây Bắc của Tổ quốc; chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả, bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới, nhân rộng, đổi mới mô hình kinh tế trang trại, hợp tác xã kiểu mới, nâng cao đời sống người dân khu vực nông thôn; phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, nhất là công nghiệp chế biến, liên kết chặt chẽ với quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu, chú trọng sản xuất các loại hàng hóa chất lượng cao, gắn với xây dựng thương hiệu. Tỉnh cần quan tâm hơn nữa công tác quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên rừng, khoáng sản, đất đai, bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào các lĩnh vực của đời sống xã hội; xóa đói, giảm nghèo bền vững, nhất là ở vùng cao, vùng sâu.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các Đảng bộ, trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đồng chí lãnh đạo Đảng, các ban, bộ, ngành Trung ương, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các văn kiện, cũng như phương án công tác nhân sự; bảo đảm tiến hành Đại hội thành công tốt đẹp và đặc biệt là sau Đại hội, những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra phải được bảo đảm thực hiện trong thực tế, tạo chuyển biến quan trọng trên các lĩnh vực ở địa phương, góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới và phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
* Ngày 16-8, tại Hà Nội, diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ Tổng cục Kỹ thuật (TCKT)lần thứ 8, nhiệm kỳ 2010-2015. Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, Ủy viên T.Ư Đảng, Thứ trưởng Quốc phòng dự và chỉ đạo đại hội.
Năm năm qua, Đảng bộ TCKT đã lãnh đạo thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Đảng ủy Quân sự T.Ư và Bộ Quốc phòng về công tác kỹ thuật (CTKT) quân sự, lãnh đạo việc chỉ đạo CTKT đối với toàn quân có chất lượng tốt; lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong Tổng cục thực hiện toàn diện các mặt công tác; các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ 7 đề ra đều đạt và vượt mức kế hoạch. Đã tham mưu Đảng ủy Quân sự T.Ư ra Nghị quyết 382 về lãnh đạo CTKT trong tình hình mới; tích cực nghiên cứu, đề xuất và triển khai thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, dự án về CTKT; đề xuất xây dựng và ban hành các văn bản pháp quy, tạo hành lang pháp lý đồng bộ về cơ chế để chỉ đạo và tổ chức thực hiện CTKT; tăng cường kiểm tra, chỉ đạo CTKT, xây dựng ngành kỹ thuật có nhiều tiến bộ. Tập trung bảo đảm dứt điểm, đồng bộ, vững chắc vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) cho các sư đoàn bộ binh đủ quân, các đơn vị phòng không làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và các nhiệm vụ đột xuất; duy trì hệ số kỹ thuật VKTBKT thực hiện các nhiệm vụ đúng yêu cầu, theo quy định. Có nhiều đề xuất mới trong việc triển khai mua, sản xuất, sửa chữa, đồng bộ, cải tiến hiện đại hóa VKTBKT. Quản lý, bảo quản, bảo dưỡng tốt VKTBKT dự trữ chiến lược, bảo đảm an toàn các đơn vị, không để xảy ra cháy, nổ. Đã có rất nhiều cố gắng, biện pháp tích cực xây dựng khu công nghiệp quốc phòng. Có nhiều giải pháp xây dựng Tổng cục vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; nội bộ đoàn kết thống nhất, gắn bó với nhân dân. Cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên, quân nhân chuyên nghiệp nhất trí cao các chủ trương, nghị quyết của Đảng, nhiệm vụ quân sự-quốc phòng. Nhận thức đầy đủ trách nhiệm chính trị, quyết tâm khắc phục khó khăn, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Các cấp ủy, tổ chức đảng được củng cố kiện toàn kịp thời, phù hợp tổ chức lực lượng và yêu cầu nhiệm vụ; chấp hành nghiêm nguyên tắc, nền nếp sinh hoạt; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu có nhiều chuyển biến tiến bộ. Năng lực tham mưu chiến lược tiếp tục được nâng cao; đội ngũ chính ủy, chính trị viên hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, hiệu lực của người chỉ huy được củng cố, tăng cường; hiệu lực công tác đảng, công tác chính trị ngày càng được khẳng định. Đội ngũ cán bộ, đảng viên có bước phát triển mới về chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ ở từng cấp. Công tác hậu cần, tài chính có nhiều đổi mới, bảo đảm kịp thời các nhiệm vụ, đời sống của cán bộ, chiến sĩ được cải thiện, làm cơ sở thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Tổng cục.
Đề cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ, đoàn kết, Đại hội xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2010-2015, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, tiếp tục đổi mới, chủ động, sáng tạo, đoàn kết xây dựng Tổng cục vững mạnh toàn diện đi vào chiều sâu vững chắc, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của cơ quan tham mưu chiến lược, đầu ngành toàn quân về CTKT quân sự trong tình hình mới.
Ý kiến ()