Bộ Chính trị làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận
Ngày 2-11, tại Trụ sở T.Ư Ðảng, tập thể Bộ Chính trị đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận về ba năm thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2010 - 2015, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì buổi làm việc. Cùng dự, có các đồng chí đại diện Ban Cán sự Ðảng Chính phủ, lãnh đạo các ban Ðảng T.Ư, Ban Cán sự Ðảng và lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư.
Ngày 2-11, tại Trụ sở T.Ư Ðảng, tập thể Bộ Chính trị đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận về ba năm thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2010 – 2015, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì buổi làm việc. Cùng dự, có các đồng chí đại diện Ban Cán sự Ðảng Chính phủ, lãnh đạo các ban Ðảng T.Ư, Ban Cán sự Ðảng và lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư.
Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận, đồng chí Huỳnh Văn Tí, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy báo cáo với Bộ Chính trị, nêu rõ: Ba năm qua, Bình Thuận đã khai thác những lợi thế, tiềm năng đưa nền kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt hơn 8,8%/năm; tỷ trọng công nghiệp – xây dựng chiếm 34,7%; dịch vụ – du lịch chiếm hơn 46% tổng sản phẩm nội tỉnh. Diện tích, năng suất, sản lượng cây trồng đều tăng. Quỹ đất nông nghiệp được khai thác tốt hơn, hệ số sử dụng đất từ 1,9 lần (năm 2010) lên 2,2 lần. Mô hình khai thác hải sản xa bờ gắn với dịch vụ hậu cần, chế biến trên biển, đi đôi với thành lập các tổ đoàn kết đánh bắt hải sản, gắn kinh tế với an ninh quốc phòng bước đầu cho hiệu quả tích cực… Tỷ lệ hộ nghèo ở tỉnh giảm bình quân 1,5%/năm. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững. Chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị từng bước được nâng lên. Công tác xây dựng Ðảng tiếp tục được đổi mới; việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã tạo chuyển biến rõ nét trong toàn bộ hệ thống chính trị.
Sau khi nghe ý kiến của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị và đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, thay mặt Bộ Chính trị, phát biểu ý kiến kết luận, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Bình Thuận là tỉnh có vị trí địa chính trị, kinh tế và quốc phòng – an ninh khá quan trọng trong khu vực ven biển cực Nam Trung Bộ, là cửa ngõ giao thương với các tỉnh trong vùng kinh tế động lực Ðông – Nam Bộ và Tây Nguyên; có tiềm năng lớn về năng lượng, khoáng sản, nông – lâm – thủy sản và dịch vụ du lịch. Bình Thuận là một trong ba địa phương có ngư trường lớn nhất cả nước, là địa bàn quan trọng trong khu vực phòng thủ của Quân khu 7. Nhận thức được vị trí quan trọng đó, ba năm qua, Ðảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Thuận đã đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu đạt được nhiều kết quả quan trọng và tương đối toàn diện.
Tổng Bí thư cũng chỉ rõ một số hạn chế đó là: Bình Thuận chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế để tạo sự bứt phá mạnh, rõ về kinh tế; chưa khai thác hiệu quả lợi thế vùng, liên kết vùng với các tỉnh Tây Nguyên và các vùng thuận lợi chung quanh. Một số chỉ tiêu chưa đạt hoặc đạt thấp so mức bình quân cả nước… Về định hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển Bình Thuận đến năm 2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý: Tỉnh cần thấy hết thuận lợi, thời cơ, thách thức trong thời gian tới, tiếp tục nhận thức sâu sắc hơn nữa vị trí, vai trò địa chính trị, địa quốc phòng, an ninh để xây dựng và phát triển tỉnh Bình Thuận cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, có cơ cấu kinh tế phù hợp: công nghiệp – dịch vụ – nông nghiệp, với ba trung tâm mang tầm quốc gia là năng lượng, chế biến quặng sa khoáng ti-tan và du lịch – thể thao biển; có kết cấu hạ tầng đồng bộ, liên thông với cả nước; có quan hệ sản xuất tiến bộ; an sinh xã hội và phúc lợi xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người không thấp hơn bình quân chung của cả nước. Bình Thuận cần tiếp tục thực hiện các biện pháp tích cực, đồng bộ, tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư khai thác có hiệu quả các tiềm năng và lợi thế có được; chú trọng chế biến nông – lâm – thủy sản, phát triển bền vững nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới; cần tập trung khai thác tiềm năng điện gió, khí điện, khuyến khích phát triển điện năng lượng mặt trời; cần liên kết chặt chẽ với các địa phương vùng trong khai thác thế mạnh biển để phát triển du lịch; đồng thời khuyến khích ngư dân đóng mới tàu, thuyền công suất lớn, phát huy mô hình đội tàu khai thác xa bờ, gắn với dịch vụ hậu cần, chế biến trên biển và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; tăng cường các biện pháp bảo vệ ngư trường; xây dựng đảo Phú Quý vững mạnh cả về kinh tế và quốc phòng.
Trong công tác xây dựng Ðảng, cần kiên trì, kiên quyết khắc phục cho được những yếu kém, khuyết điểm đã chỉ ra qua đợt kiểm điểm, tự phê bình và phê bình thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI), gắn với tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Bộ Chính trị cơ bản đồng ý các đề xuất, kiến nghị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, giao Ban Cán sự Ðảng Chính phủ, Ðảng đoàn Quốc hội, các bộ, ban, ngành Trung ương tiếp tục ủng hộ, phối hợp xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện để tỉnh Bình Thuận phát triển nhanh và bền vững.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()