Bộ Chính trị làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc thực hiện Nghị quyết 15
Chiều 16-11, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tập thể Bộ Chính trị đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội nhằm đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) "về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ 2001-2010".Theo báo cáo của Thành ủy Hà Nội, mười năm thực hiện Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị, Hà Nội đã đạt tăng trưởng GDP bình quân 10,85%/năm, cao gấp 1,5 lần so tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước. Các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, thương mại... đều có những thành tựu, bước tiến mới.Lĩnh vực xây dựng, quản lý đô thị được thực hiện quyết liệt, nhiều mặt có chuyển biến tích cực. Công tác phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được thực hiện đồng bộ, đạt kết quả đáng khích lệ. Văn hóa-xã hội tiếp tục phát triển, nhiều chỉ tiêu chủ yếu dẫn đầu cả nước. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân...
Chiều 16-11, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tập thể Bộ Chính trị đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội nhằm đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) “về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ 2001-2010”.
Theo báo cáo của Thành ủy Hà Nội, mười năm thực hiện Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị, Hà Nội đã đạt tăng trưởng GDP bình quân 10,85%/năm, cao gấp 1,5 lần so tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước. Các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, thương mại… đều có những thành tựu, bước tiến mới.
Lĩnh vực xây dựng, quản lý đô thị được thực hiện quyết liệt, nhiều mặt có chuyển biến tích cực. Công tác phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được thực hiện đồng bộ, đạt kết quả đáng khích lệ. Văn hóa-xã hội tiếp tục phát triển, nhiều chỉ tiêu chủ yếu dẫn đầu cả nước. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân, nhất là ở vùng nông thôn, xa trung tâm được cải thiện rõ rệt. An ninh, quốc phòng được củng cố vững chắc, trật tự an toàn xã hội có chuyển biến tích cực, bảo đảm tuyệt đối an toàn các sự kiện lớn của Trung ương và địa phương diễn ra trên địa bàn. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố hệ thống chính trị, gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tiếp tục được đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đặc biệt, Hà Nội thực hiện thành công Nghị quyết 15 của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính; tổ chức bộ máy và cán bộ của các cơ quan trong hệ thống chính trị được sắp xếp, kiện toàn bảo đảm đồng bộ, ổn định và đi vào hoạt động có hiệu quả sau khi hợp nhất. Đồng thời, TP Hà Nội phối hợp tổ chức thành công Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, để lại ấn tượng tốt đẹp đối với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Thủ đô trong khu vực và trên thế giới.
Đánh giá cao sự đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm, năng động, sáng tạo vượt qua không ít khó khăn, thách thức trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, suy thoái kinh tế toàn cầu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã bám sát các quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị và T.Ư Đảng, Quốc hội, Chính phủ, ra sức phấn đấu thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị. Trên cơ sở đó, kinh tế – xã hội của Hà Nội tăng trưởng cao, đều, liên tục, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của cả nước. Tình hình an ninh, chính trị trên địa bàn Thủ đô luôn ổn định; phát huy tốt vai trò là đầu não chính trị – hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, giữ vững an ninh trật tự, bảo đảm an toàn cho nhiều sự kiện quan trọng diễn ra trên địa bàn Thủ đô.
Tổng Bí thư cũng đã chỉ ra những yếu kém của Hà Nội trong những năm qua. Đó là công tác quy hoạch, xây dựng quy hoạch, quản lý đô thị còn yếu; chưa thật sự phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của một trung tâm lớn hàng đầu cả nước về văn hóa – xã hội. Hoạt động phối hợp, liên kết, hợp tác giữa Thủ đô với các bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong cả nước còn hạn chế, thiếu chặt chẽ. Chính vì thế chưa phát huy hết tiềm năng, vị thế của Thủ đô.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, yêu cầu mới đặt ra trong năm năm, 10 năm tới đối với Hà Nội là phải dự báo được những đột biến, khó khăn để chủ động ứng phó; không được chủ quan thỏa mãn với những thành tích đã đạt được, phấn đấu về trước cả nước từ một đến hai năm hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ cơ bản về công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô. Muốn vậy, phải quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ 15. Cần làm tốt công tác quy hoạch cán bộ, xây dựng hệ thống chính trị, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Từ đó, tạo ra sức mạnh tổng hợp để thực hiện được quy hoạch tổng thể; trong đó, chú ý đến xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn, phát triển và quản lý đô thị.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, Bộ Chính trị đồng ý ra Nghị quyết phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020. Đây là Nghị quyết không phải riêng cho Thủ đô mà cùng với cả nước thực hiện Nghị quyết nhằm phát triển Thủ đô xứng với vị trí là trái tim của cả nước, đầu não chính trị – hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế, giao dịch quốc tế, làm động lực thúc đẩy phát triển Vùng Thủ đô, Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Về những kiến nghị của Hà Nội, Bộ Chính trị sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan sớm hoàn thiện Luật Thủ đô để trình Quốc hội xem xét, thông qua. Đồng thời, sẽ chỉ đạo việc thành lập Ban chỉ đạo điều phối phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng; ban hành quy chế phối hợp liên kết vùng có tính pháp quy để tăng tính hiệu lực, hiệu quả của hoạt động phối hợp, liên kết. Bên cạnh đó, Trung ương sẽ tiếp tục phân cấp mạnh hơn cho Hà Nội trên một số lĩnh vực đặc thù như: quản lý đô thị, đầu tư, tài chính… để tăng tính tự chủ cho thành phố trong giải quyết công việc hằng ngày của Thủ đô; giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong phối hợp với Hà Nội thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển Thủ đô, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Theo Nhandan
Ý kiến ()