“Black Friday” có nguồn gốc như thế nào?
Hôm nay (26-11), ngày hội giảm giá lớn nhất trong năm Black Friday 2021 sẽ diễn ra.
Ngày hội mua sắm lớn nhất trong năm Black Friday (hay còn gọi là ngày “Thứ Sáu đen tối) là một hoạt động không thể thiếu sau Lễ Tạ ơn ở Mỹ, Canada, Grenada, Saint Lucia, và Liberia. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, ngày hội này đã lan qua nhiều quốc gia khác trên thế giới. Ở Việt Nam, Black Friday cũng không còn xa lạ.
Nhiều người nghĩ rằng, từ “Black” trong Black Friday xuất phát từ thuật ngữ “in the black” trong tiếng Anh dùng để chỉ tình trạng nhà bán lẻ ăn nên làm ra, tạo ra lợi nhuận sau một năm kinh doanh ảm đạm. Tuy nhiên, trên thực tế truyền thống của ngày “ăn nên làm ra” này lại có nguồn gốc ảm đạm như đúng cái tên của nó.
Người dân đổ xô đi mua sắm tại New York vào ngày Black Friday. (Ảnh minh họa: nytimes.com) |
Theo trang The History, thuật ngữ “Black Friday” ban đầu không liên quan gì đến đến việc mua sắm cho mùa lễ hội cuối năm như bây giờ mà nó gắn với một giai đoạn lịch sử khó khăn của nước Mỹ. Cụm từ “Black Friday” lần đầu được sử dụng vào ngày 24-9-1869. Vào thời điểm đó, hai nhà đầu tư nổi tiếng ở phố Wall thời bấy giờ là Jay Gould và Jim Fisk đã nhờ vào mối quan hệ với chính phủ để đầu cơ tích trữ vàng, sau đó đẩy giá vàng lên cao ngất ngưởng để thu lợi cho bản thân. Sự việc này đã gây lũng đoạn thị trường vàng, đẩy nước Mỹ rơi vào khủng hoảng tài chính trong nhiều năm.
Cũng theo trang này, ý nghĩa quen thuộc về Black Friday mà mọi người biết đến như ngày nay được sử dụng lần đầu vào năm 1950. Thời điểm đó, cảnh sát tại bang Philadelphia đã dùng cụm từ này để nói sự hỗn loạn diễn ra sau ngày Lễ Tạ ơn khi người dân và khách du lịch đổ xô đến bang này để đón xem trận bóng bầu dục giữa lực lượng lục quân và hải quân diễn ra vào thứ 7 hằng năm tại đây. Các cổ động viên chen chúc nhau vào các cửa hàng bán lẻ ở trung tâm thành phố để mua sắm, gây ra một cảnh tượng hỗn loạn. Trong những ngày này, cảnh sát bang Philadelphia không những không được nghỉ mà còn phải làm việc tăng ca để giải tán các đám đông và cảnh tắc đường.
Đến năm 1961, Black Friday gây “sốt” ở Philadelphia, đến mức các thương gia và các chuyên gia quan hệ công chúng ở bang này đã cố gắng thay đổi nhận thức của người dân về ý nghĩa của ngày Black Friday bằng cách đổi tên thành “Big Friday” (Tạm dịch: Ngày thứ Sáu lớn) dùng để chỉ một ngày mua sắm lớn. Tuy nhiên, nỗ lực loại bỏ nghĩa tiêu cực của Black Friday không thành công và “Big Friday” dần mờ nhạt. Vào cuối năm 1980, các nhà bán lẻ đã tìm cách để khôi phục thuật ngữ Black Friday và tuyên truyền nó với ý nghĩa là ngày hội mua sắm giá rẻ, khuyến mãi lớn nhất trong năm chứ không phải tiêu cực như trước. Từ đó, ngày sau Lễ Tạ ơn đánh dấu dịp thu lợi nhuận của các cửa hàng của Mỹ. Vào ngày này, các nhà bán lẻ đưa ra các chương trình giảm giá nhằm thu hút khách hàng. Các cửa hàng mở cửa sớm hơn để đón một lượng lớn khách hàng đi mua sắm sau Lễ Tạ ơn.
Trong những năm gần đây, xuất hiện một câu chuyện khác về nguồn gốc của Black Friday, gây ảnh hưởng xấu tới ngày lễ này. Theo đó, một số người cho rằng, Black Friday xuất hiện vào những năm 1800 khi các chủ đồn điền ở miền Nam nước Mỹ đổ xô đi mua nô lệ với giá thấp sau ngày Lễ Tạ ơn. Câu chuyện này dẫn đến việc một số người tiêu dùng đứng lên kêu gọi tẩy chay bán lẻ.
Mặc dầu vậy, trong những năm qua, sức hút của ngày Black Friday vẫn không có dấu hiệu giảm nhiệt khi phần các siêu thị và cửa hàng bán lẻ lớn đồng loạt giảm giá sâu hàng chục ngàn mặt hàng. Mức giảm giá phổ biến từ 10 – 30%, hay thậm chí 60% để bán được nhiều hàng hóa. Một số cửa hàng còn đưa ra chiêu thức giảm sâu đến 80-90% cho một số khách hàng đến sớm hoặc đối với các mặt hàng thông thường như điện tử, điện lạnh, đồ gia dụng, nội thất, thời trang…
Cũng chính vì thế, vào ngày Black Friday hằng năm vẫn ghi nhận tình trạng hàng trăm người chen lấn tại các siêu thị, các cửa hàng bán lẻ để giành giật những mặt hàng chất lượng nhưng hợp túi tiền.
Ý kiến ()