Về khu dân cư số 3, xã Nghĩa Lạc, Nghĩa Hưng là khu Công giáo toàn tòng, chúng tôi thật sự phấn khởi trước cuộc sống sung túc của bà con nơi đây. Những con số thật ấn tượng: 100% số hộ gia đình có phương tiện nghe nhìn; 75% số hộ có xe gắn máy; hơn 90% số hộ đạt tiêu chuẩn hộ khá, giàu (theo tiêu chí mới); 230/235 hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình Công giáo gương mẫu. Theo Ban công tác mặt trận khu dân cư số 3, kết quả đạt được là nhờ đẩy mạnh các phong trào như 'Xây dựng xứ, họ tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu' 'Xây dựng khu dân cư 5 không'. Các đợt thi đua đều thiết thực, hiệu quả vì gắn chặt với nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Vai trò của Ban công tác mặt trận được thể hiện rõ trong việc phối hợp chặt chẽ với ban hành giáo tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau phù hợp đặc thù của từng hội, đoàn; in ấn nội dung, tiêu chuẩn thi đua xây dựng gia đình Công giáo gương mẫu và tổ chức ký kết giữa các hộ dân trong thôn, đồng thời ký cam kết thi đua phấn đấu đạt danh hiệu giáo họ tiên tiến với Ban đoàn kết Công giáo huyện. Ban công tác mặt trận cũng thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, phản ánh kịp thời với chính quyền cơ sở, vì vậy tạo nên sự đồng thuận cao trong khu dân cư.
Ở vùng giáo Xuân Trường, Hội Phụ nữ huyện gần hai năm nay vận động, giúp đỡ chị em dòng nữ tu Trinh Vương (giáo phận Bùi Chu) thành lập Chi hội phụ nữ với 100 hội viên hoạt động nền nếp. Trong sinh hoạt định kỳ của Chi hội đều tổ chức tư vấn về chăm sóc sức khỏe; phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước; triển khai chuyên đề về chuyển giao khoa học – kỹ thuật và giao lưu văn hóa, văn nghệ. Từ khi tham gia Chi hội, chị em dòng nữ tu Trinh Vương đã nắm bắt kiến thức trong cuộc sống và gắn bó hơn với cộng đồng xã hội. Đây là mô hình thể hiện sự sáng tạo của Hội phụ nữ Xuân Trường trong đổi mới phương thức tập hợp hội viên.
Trưởng ban dân vận Tỉnh ủy Nam Định Phạm Văn Tý cho biết, thời gian qua, các hoạt động, sinh hoạt tôn giáo của các tổ chức, cá nhân, chức sắc, tín đồ trên địa bàn tỉnh chấp hành khá tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Các chức sắc, tín đồ tôn giáo đoàn kết, ngày càng có nhiều người tham gia các tổ chức xã hội, nhiệt tình hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Hiện tại, toàn tỉnh có 171/229 Đảng bộ xã, phường, thị trấn có đảng viên là người có đạo (chiếm 74,6%), phần lớn các thôn xóm, tổ dân cư vùng tôn giáo tập trung có chi bộ đảng lãnh đạo, vì vậy việc triển khai tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn đạt hiệu quả cao.
Trong những năm qua, tỉnh Nam Định xác định công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, vì vậy trong triển khai hoạt động đều có sự phân công trách nhiệm cụ thể. Mặt trận Tổ quốc tỉnh triển khai phong trào 'Xây dựng chùa tiên tiến' và 'Xứ họ tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu' Sở Nội vụ tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn chức sắc, chức việc thực hiện pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo; Công an tỉnh triển khai phong trào thi đua giữ gìn an ninh trật tự ở vùng có đông tín đồ các tôn giáo; các địa phương có đồng bào theo đạo cũng tổ chức nhiều chuyên đề cụ thể, thiết thực, phù hợp điều kiện tại địa bàn như phát triển kinh tế hộ gia đình, khuyến học khuyến tài, kế hoạch hóa gia đình. Công tác vận động đội ngũ chức sắc tôn giáo, người tu hành luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh đặc biệt quan tâm. Nhân các ngày lễ trọng, những sự kiện lớn của các tôn giáo, ngày Tết cổ truyền của dân tộc từ tỉnh tới huyện, xã đều tổ chức các đoàn đến chúc mừng, thăm hỏi, động viên các tôn giáo, qua đó tạo ra không khí gần gũi, hiểu biết nhau. Chức sắc, người tu hành khi ốm đau, qua đời đều được tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương quan tâm thăm, viếng. Các đồng chí lãnh đạo tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ, các ngành các cấp trong tỉnh còn có những buổi tiếp xúc, gặp gỡ để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, nắm bắt những băn khoăn của chức sắc, người tu hành, nhất là những người có vị trí cao trong Giáo hội, hướng họ tham gia các hoạt động xã hội vì lợi ích chung. Những năm gần đây, Ban Dân vận Tỉnh ủy, UBMTTQ tỉnh còn tổ chức một số đoàn tăng ni, linh mục, nữ tu đi viếng Lăng Bác, tham quan Hà Nội, Huế, quê Bác, Điện Biên Phủ, nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn nhằm nâng cao hiểu biết về truyền thống anh hùng của dân tộc, về những thành tựu trong công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo; tổ chức giao lưu thể thao giữa các chức sắc trong các tôn giáo để thắt chặt thêm tình đoàn kết và hiểu biết lẫn nhau.
Những việc làm thiết thực trên đây làm thay đổi cơ bản nhận thức của đội ngũ chức sắc các tôn giáo. Nếu như trước năm 1999 rất ít chức sắc tôn giáo tham gia các tổ chức và hoạt động xã hội thì từ năm 2000 đến nay đã có 229 lượt tăng ni, 25 lượt linh mục và 691 tín đồ Công giáo tham gia Ủy viên UBMTTQ các cấp; có 804 lượt chức sắc, chức việc và tín đồ các tôn giáo tham gia HĐND ba cấp. Từ công tác tiếp xúc, vận động, các vị đứng đầu các tổ chức tôn giáo trong tỉnh ra Thông bạch, Thư mục vụ nhắc nhở tín đồ tham gia phong trào quần chúng giữ gìn an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm, đặc biệt nhiều chức sắc nhiệt tình tham gia công tác từ thiện, nhân đạo, khuyến học, khuyến tài, góp phần tích cực vào phong trào chung của tỉnh.
Ý kiến ()