Bính Xá huy động nguồn lực để giảm nghèo
(LSO) – Bính Xá là xã biên giới vùng III của huyện Đình Lập. Đầu năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo địa bàn xã còn tới 46,42%. Với các giải pháp đồng bộ, huy động từ nhiều nguồn lực, hết năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm xuống còn 11,65%, xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Dịp cuối tháng 7/2019, tôi có cơ hội trở lại công tác tại Bính Xá. Khác với gần chục năm trước còn nghèo nàn, lạc hậu thì giờ đây, Bính Xá đã có một diện mạo mới. Trục đường chính từ huyện vào trung tâm xã dài 15 km nhưng cảm giác gần hơn vì đường đã được trải nhựa, giao thông thuận tiện. Trên những quả đồi trọc trước đây, giờ đã xanh ngút ngàn thông mã vĩ – cây xóa đói giảm nghèo của xã.
Người dân trên địa bàn xã Bính Xá chọn mua cây thông giống
Để có được kết quả này, cấp ủy, chính quyền và nhân dân nơi đây đã nỗ lực vượt khó, phát huy nguồn lực, thế mạnh của địa phương để phát triển.
Ông Lộc Văn Linh, Bí thư Đảng ủy xã Bính Xá cho biết: Đảng ủy, chính quyền xã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo, phát triển sản xuất của Nhà nước nhằm tạo động lực thúc đẩy xoá đói giảm nghèo trên địa bàn xã. Thời gian qua, xã đã lồng ghép các nguồn lực của các chương trình như: 135, 120, chính sách hỗ trợ nhà ở, nước sinh hoạt; chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất; chính sách vay vốn trồng rừng; chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo; chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở… để hỗ trợ giảm nghèo hiệu quả hơn.
Từ năm 2016 đến nay, Bính Xá đã lồng ghép nguồn lực của tất cả các chính sách từ trung ương đến địa phương được trên 5 tỷ đồng cho công tác giảm nghèo. Trong đó, tập trung hỗ trợ xây dựng hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ người dân các dịch vụ thiết yếu về điện, giáo dục, chăm sóc sức khỏe ban đầu…
Trong hỗ trợ phát triển kinh tế, hằng năm, cấp ủy, chính quyền xã định hướng nhân dân phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung và thực hiện các dự án trồng rừng như: Việt – Đức, 661… mang lại hiệu quả lâu dài và giảm nghèo bền vững.
Ông Hoàng Văn Vịnh, thôn Bản Mọi, xã Bính Xá cho biết: Phát huy thế mạnh về đất rừng, ngoài trồng thông, gia đình tôi còn duy trì vườn ươm giống cây thông để cung cấp cây giống cho nhân dân trên địa bàn. Trung bình mỗi năm, gia đình cung cấp 15 vạn cây, tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động với thu nhập ổn định 6-7 triệu đồng/tháng. Hằng năm, thông qua cấp ủy, chính quyền xã, gia đình tôi ủng hộ 1.000 cây giống để hỗ trợ hộ nghèo trên địa bàn.
Không chỉ tập trung phát triển trồng thông, xã còn định hướng nhân dân trồng một số cây như: sa nhân, ba kích tím, tập trung vào một số hộ đăng ký thoát nghèo. Cùng với đó, các dự án, chương trình chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cũng đã xây dựng các mô hình đa dạng hóa sinh kế cho người dân như: phát triển chăn nuôi dê tại thôn Bản Mọi; hỗ trợ phát triển cây sa nhân, ba kích tím tại các thôn: Nà Lừa, Pò Mận, Quyết Tiến.
Năm 2017, xã phát triển được 1 hợp tác xã (HTX) trên địa bàn, đó là HTX dịch vụ Nông Lâm nghiệp Sơn Tiến. Tuy mới được thành lập theo Luật Hợp tác xã nhưng trên thực tế, HTX đã hoạt động từ năm 2007 do 2 hộ gia đình ông Hoàng Văn Động và Bế Văn Liên làm chủ với ngành nghề sản xuất, kinh doanh chủ yếu là khai thác gỗ; khai thác, thu mua nhựa thông trên địa bàn. Thu nhập bình quân hằng năm của mỗi hộ trên 120 triệu đồng.
Ông Lộc Văn Linh, Bí thư Đảng ủy xã khẳng định: Những giải pháp đồng bộ và việc huy động tổng hợp nguồn lực cho giảm nghèo ở xã đã thực sự phát huy hiệu quả, nhất là việc kết hợp nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Nhờ vậy, đến hết năm 2018, số hộ nghèo của xã giảm xuống còn 99 hộ, chiếm 11,65%, giảm 34,77% so với đầu năm 2016. Cuối năm 2018, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Từ nay đến hết năm 2019, xã phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn khoảng 9%.
THANH HUYỀN
Ý kiến ()