Bình tuyển cây đầu dòng: Góp phần đảm bảo chất lượng giống cây ăn quả
– Giống cây trồng có ý nghĩa quan trọng đến năng suất và chất lượng sản phẩm nông sản. Do vậy, thời gian qua, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh tổ chức bình tuyển và công nhận cây đầu dòng đối với cây ăn quả.
Cây ăn quả là cây trồng lâu năm, người trồng phải mất trung bình từ 4 – 5 năm chăm sóc mới được thu hoạch. Bởi vậy, nếu người dân lựa chọn giống cây ăn quả không đạt tiêu chuẩn sẽ ảnh hưởng đến năng suất, hiệu quả kinh tế. Để giống cây trồng đạt tiêu chuẩn, theo quy định, đối với cây ăn quả bắt buộc phải được nhân giống vô tính từ cây đầu dòng để đảm bảo duy trì các tính trạng tốt từ cây mẹ. Theo đó, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đã chú trọng thực hiện bình tuyển và công nhận cây đầu dòng đối với cây ăn quả là các cây đặc sản của tỉnh.
Các thành viên Hội đồng thẩm định kiểm tra, đánh giá các chỉ tiêu giống na dai Lạng Sơn
Bà Nguyễn Thị Huế, Trưởng Phòng Trồng trọt, Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Việc bình tuyển, công nhận cây đầu dòng trên địa bàn tỉnh được thực hiện chặt chẽ theo quy trình được quy định tại Điều 9, Nghị định 94/2019/NĐ-CP ngày 13/12/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác. Theo đó, các tổ chức, cá nhân đăng ký công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng gửi hồ sơ tới Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) ban hành quyết định thành lập Hội đồng thẩm định hồ sơ, kiểm tra cây đầu dòng, đủ điều kiện tiêu chuẩn sẽ cấp quyết định công nhận. Các tiêu chí bình tuyển của từng loại cây ăn quả khác nhau nhưng chủ yếu thông qua các chỉ tiêu sinh trưởng phát triển, khả năng ra hoa đậu quả, năng suất, chất lượng, hương vị quả…
Bên cạnh đó, việc bình tuyển các cây ăn quả đầu dòng còn được thực hiện thông qua các dự án, đề tài khoa học về bảo tồn dòng, giống tốt các loại cây ăn quả. Đơn cử, năm 2022, Phòng NN&PTNT huyện Văn Lãng đã phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) tổ chức bình tuyển 15 cây hồng vành khuyên ưu tú thuộc đề tài “Nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ nâng cao giá trị và phát triển bền vững sản phẩm hồng vành khuyên”.
Ông Đinh Mạnh Khiêm, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Để tiến hành tuyển chọn cây ưu tú, chúng tôi đã phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả và các đơn vị trên địa bàn phân tích, đánh giá chỉ tiêu về hình thái, đặc điểm sinh trưởng, khả năng chống chịu sâu bệnh, năng suất, khối lượng trung bình quả, chỉ tiêu cơ giới quả, tỷ lệ phần ăn được… Qua đó, đã tuyển chọn được 15 cây hồng vành khuyên ưu tú để khai thác vật liệu nhân giống, cung cấp giống sạch bệnh phục vụ mở rộng diện tích trồng, phát triển hồng vành khuyên trở thành vùng sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung tại huyện Văn Lãng.
Nhờ các ngành chức năng tích cực đẩy mạnh công tác trên, tính đến nay, tổng số cây đầu dòng cây ăn quả lâu năm trên địa bàn tỉnh đã có 77 cây được bình tuyển, công nhận, như: mít dai, đào Mẫu Sơn, hồng không hạt Bảo Lâm, na dai, mận chín sớm… Đây là nguồn cung cấp vật liệu nhân giống cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống đảm bảo chất lượng cao, theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, là địa chỉ để người dân mua giống có nguồn gốc rõ ràng, góp phần phát triển sản xuất an toàn, hiệu quả và bền vững.
Ông Hoàng Văn Hậu, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng cho biết: Gia đình có 4 cây hồng vành khuyên được tuyển chọn là cây đầu dòng. Đây là cơ sở để gia đình nhân giống đạt tiêu chuẩn, không sâu bệnh, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ lấy từ cây đầu dòng phục vụ nhu cầu cho người dân trên địa bàn, nâng cao thu nhập cho gia đình.
Thời gian tới, ngành chức năng tiếp tục quan tâm, tổ chức bình tuyển, công nhận cây đầu dòng cây ăn quả lâu năm, góp phần duy trì nguồn giống chất lượng, nâng cao hiệu quả sản xuất. Đồng thời, là điều kiện truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chặt chẽ khâu quản lý chất lượng giống cây trồng.
Ý kiến ()