LSO-Từ cuối tháng 10/2010 đến nay, giá phân đạm liên tục tăng khiến người nông dân không yên tâm. Với cố gắng của mình, Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp đã kéo dài thời gian giữ giá cũ, bình ổn thị trường để một lần nữa người nông dân Xứ Lạng được hưởng lợi.Đạm là một mặt hàng nhạy cảm nhất trong nhóm hàng phân bón hoá học. Hiện sản lượng đạm trong nước chỉ đáp ứng được trên 30% nhu cầu tiêu dùng nội địa, nên giá đạm biến động, hay khan hiếm hàng đều phụ thuộc vào thị trường thế giới. Bắt đầu từ cuối tháng 10, thị trường phân bón liên tục tăng, trong đó phân đạm có giá bán lẻ từ 6.500 đồng đến 7.200 đồng 1kg nhưng chỉ trong vòng 15 ngày đầu tháng 11, giá phân đạm đã tăng lên 8.000 đồng 1kg tại thị trường Lạng Sơn. Ở thị trường các tỉnh lân cận như Cao Bằng, Bắc Giang, Thái Nguyên, giá phân đạm ngoại cao hơn ở Lạng Sơn 200 đến 300 đồng/1kg. Vì vậy nông dân các tỉnh lân cận ào sang Lạng Sơn mua hàng để được hưởng...
LSO-Từ cuối tháng 10/2010 đến nay, giá phân đạm liên tục tăng khiến người nông dân không yên tâm. Với cố gắng của mình, Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp đã kéo dài thời gian giữ giá cũ, bình ổn thị trường để một lần nữa người nông dân Xứ Lạng được hưởng lợi.
Đạm là một mặt hàng nhạy cảm nhất trong nhóm hàng phân bón hoá học. Hiện sản lượng đạm trong nước chỉ đáp ứng được trên 30% nhu cầu tiêu dùng nội địa, nên giá đạm biến động, hay khan hiếm hàng đều phụ thuộc vào thị trường thế giới. Bắt đầu từ cuối tháng 10, thị trường phân bón liên tục tăng, trong đó phân đạm có giá bán lẻ từ 6.500 đồng đến 7.200 đồng 1kg nhưng chỉ trong vòng 15 ngày đầu tháng 11, giá phân đạm đã tăng lên 8.000 đồng 1kg tại thị trường Lạng Sơn. Ở thị trường các tỉnh lân cận như Cao Bằng, Bắc Giang, Thái Nguyên, giá phân đạm ngoại cao hơn ở Lạng Sơn 200 đến 300 đồng/1kg. Vì vậy nông dân các tỉnh lân cận ào sang Lạng Sơn mua hàng để được hưởng giá thấp. Cá biệt có những doanh nghiệp, đại lý tỉnh ngoài nhạy bén đã nhanh chân đến các đại lý ở vùng giáp ranh thuộc Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp Lạng Sơn đăng ký mua hết số phân đạm có trong kho, điều đó càng gây nên sự lo lắng trong dân.
|
Công nhân công ty Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp vận chuyển đạm xuống các đại lý |
Theo ông Nguyễn Thanh Vân, Giám đốc Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp Lạng Sơn, lường trước việc tăng giá đột biến, Công ty đã có dự trữ đủ cung ứng cho sản xuất với giá đầu vụ. Nguyên nhân Lạng Sơn bán hạ hơn các tỉnh khác là số hàng dự trữ vẫn còn tồn, mà số lượng tồn để bình ổn giá là khá lớn. Mỗi năm lượng đạm tiêu thụ ở Lạng Sơn tầm 10 ngàn tấn, Công ty đã chủ động tích luỹ có số dư nhằm cung ứng đủ lượng cho nông dân kể cả những lúc thị trường khan hiếm nhất. Trong đợt tăng giá này ngoài việc hiệu ứng của biến động thị trường tài chính tiền tệ, còn một nguyên nhân nữa là giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất trong nước tăng khá cao, theo dự báo sẽ còn tăng cao nữa. Nhưng riêng trên thị trường Lạng Sơn ông Nguyễn Thanh Vân khẳng định, nông dân vẫn được hưởng lợi mà chưa cần tính đến yếu tố bình ổn giá bởi hiện vụ sản xuất chính của tỉnh đã kết thúc, nhu cầu sử dụng đạm vào mùa này ít hơn. Thứ nữa số lượng dự trữ trong các kho hàng vẫn đủ cung ứng cho sản xuất về cả chất và lượng, nên dù có biến động về giá đến mấy thì giá ở Lạng Sơn vẫn thấp hơn giá các tỉnh ngoài. Tuy nhiên, việc giữ giá có kéo dài được hay không còn phụ thuộc vào thị trường chung. Là một công ty duy nhất trên địa bàn cung ứng vật tư nông nghiệp cho nông dân trong toàn tỉnh, thực hiện xuất nhập khẩu các loại phân bón phục vụ nhu cầu trong nước, song chiến lược của Công ty là mua lúc giá rẻ, giữ giá ổn định, vừa được lợi cho nông dân vừa đảm bảo mục tiêu kinh doanh. Từ chiến lược ấy đã tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp, bình ổn giá, góp phần đưa công ty phát triển. Theo quy luật tất yếu, vào cuối năm thường mặt bằng giá biến động, nhưng khác với các tỉnh, Lạng Sơn đã qua vụ sản xuất chính, nhu cầu đạm nói riêng và phân bón nói chung giảm xuống nên sẽ không có giá đạm tăng cao đột biến hay khan hiếm hàng trong bán lẻ. Hơn thế khi thị trường biến động, Công ty đã trực tiếp chỉ đạo các đại lý ở các huyện giáp ranh tỉnh bạn như Đình Lập, Tràng Định, Bắc Sơn… cần căn cứ nhu cầu để dự trữ, đặc biệt khi cần thiết sẽ sử dụng biện pháp bán hàng thông qua các tổ chức để vật tư nông nghiệp đến tận tay người nông dân, chống đầu cơ tích trữ, làm mặt bằng giá cả tăng, khan hiếm phân bón trên thị trường.
Hiện nay, tuy chỉ có mặt hàng đạm tăng giá cao nhưng rất có thể sẽ kéo theo các loại vật tư khác cùng tăng giá, vì vậy ngoài tích cực bình ổn giá của Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp, cần có sự kiểm tra, giám sát quản lý chặt thị trường. Dài hơi hơn, cần có chính sách bình ổn giá với các mặt hàng phục vụ nông dân để người nông dân thực sự yên tâm sản xuất trên mảnh đất của mình.
Đông Bắc
Ý kiến ()