Bình Thuận quan tâm dạy tiếng Chăm ở bậc tiểu học
Bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số là một trong những chủ trương lớn của Ðảng và Nhà nước nhằm thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc, giúp các dân tộc có điều kiện phát triển và tiến bộ nhanh về kinh tế, văn hóa, xã hội. Ðối với Bình Thuận, một trong những tỉnh có đông đồng bào Chăm sinh sống thì việc dạy và học chữ, tiếng Chăm được đặc biệt quan tâm.
Ðồng bào dân tộc Chăm ở Bình Thuận hiện có 7.701 hộ với hơn 38 nghìn khẩu; cư trú tập trung ở chín thôn xen ghép và bốn xã thuần thuộc các huyện Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh, Hàm Tân và Hàm Thuận Nam.
Trước đây, việc dạy chữ viết theo kiểu truyền nghề, cha truyền con nối gắn bó với các lễ tục, phong tục, tập quán truyền thống của dân tộc. Chỉ một số ít gia đình người Chăm có người giữ chức vụ trong làng hoặc gia đình trí thức thì mới biết đọc và viết chữ tiếng Chăm. Còn lại hầu hết chỉ biết nói chứ không biết đọc hoặc viết chữ tiếng Chăm. Năm 1978, thể theo nhu cầu và nguyện vọng được học chữ Chăm của đồng bào Chăm để bảo tồn văn hóa dân tộc, Thuận Hải (nay là hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận) là tỉnh đầu tiên ở phía nam triển khai đưa tiếng Chăm vào trường học và dạy cho con em vùng đồng bào Chăm nhưng mới chỉ mang tính thí điểm ở một số trường học. Ðến năm 1980, khi Chính phủ ban hành Quyết định 53/CP ngày 22-2-1980, việc dạy học chữ và tiếng dân tộc thiểu số, trong đó có dạy chữ và tiếng cho học sinh người Chăm mới được mở rộng.
Thầy Kinh Duy Trịnh, giáo viên người Chăm ở Trường tiểu học Lạc Trị (xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, Bình Thuận), một trong những người đầu tiên tham gia giảng dạy tiếng Chăm cho biết, bà con đồng bào Chăm rất vui mừng phấn khởi trước quyết định hợp “ý Ðảng, lòng dân” đó.
Năm 1992, sau khi chia tách từ tỉnh Thuận Hải, Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) Bình Thuận tiếp tục chỉ đạo công tác dạy học tiếng Chăm trong các trường tiểu học có con em đồng bào Chăm. Từ đó, việc dạy và học tiếng Chăm đối với cấp tiểu học ở tỉnh Bình Thuận được quan tâm chỉ đạo chặt chẽ, dạy học từ lớp 1 đến lớp 5, mỗi tuần bốn tiết, xem như một môn học tự chọn của học sinh. Thầy Thông Văn Ðá, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lâm Giang (xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận), một trong những người tham gia nhóm cốt cán chuyên môn tiếng Chăm do Sở GD và ÐT Bình Thuận thành lập chia sẻ, việc dạy tiếng Chăm bổ trợ rất nhiều cho việc dạy tiếng Việt, vì thông qua tiếng Chăm, giáo viên sẽ cung cấp những tên gọi, giải nghĩa một số từ tiếng Việt mà các em chưa biết hoặc không hiểu. Từ đó giúp các em học tốt hơn các môn học khác bằng tiếng Việt.
Sau nhiều năm triển khai, việc dạy chữ tiếng Chăm cho con em người Chăm ở các trường tiểu học đã ổn định và duy trì thường xuyên. Ông Huỳnh Văn Hiếu, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học thuộc Sở GD và ÐT Bình Thuận cho biết, mỗi năm học, có khoảng từ ba đến bốn nghìn học sinh tham gia học tiếng Chăm, chiếm tỷ lệ 90% học sinh Chăm toàn tỉnh; năm học 2014-2015 Bình Thuận có 12 trường tiểu học thuộc các huyện Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân tổ chức dạy tiếng Chăm với tổng số gần 3.200 học sinh người Chăm được phân bổ ở 136 lớp. Anh Mã Thanh Xanh, giáo viên người Chăm ở Trường tiểu học Lâm Giang tâm sự: “Ðược dạy chữ, tiếng mẹ đẻ cho con em người Chăm ở địa phương, đó là nguồn động viên lớn để tôi cố gắng hoàn thiện thêm kỹ năng dạy học của mình”. Còn em Mã Thị Lân, học sinh lớp 1 Trường tiểu học Lâm Giang cảm thấy rất thích thú khi được học tiếng mẹ đẻ: “Ðược học tiếng Chăm, con rất thích vì ở nhà mẹ con nói chuyện với anh chị em con bằng tiếng này”.
Ðể có thể đánh giá hiệu quả việc dạy tiếng Chăm, các địa phương có dạy tiếng Chăm hằng năm đều tổ chức các cuộc thi: giáo viên dạy giỏi tiếng Chăm; học sinh thi viết chữ Chăm đẹp… Ông Huỳnh Văn Hiếu cho biết: “Chất lượng học tập tiếng Chăm của các em mỗi năm đều tăng lên. Năm học 2013-2014, trong tổng số hơn 3.000 học sinh học tiếng Chăm, tỷ lệ học sinh đạt khá, giỏi là 41,3%, tỷ lệ học sinh yếu giảm xuống chỉ còn khoảng 6%. Ðây là một thành tích rất đáng khích lệ nếu so với những năm trước đây”.
Cùng với việc tổ chức và duy trì dạy tiếng Chăm cho học sinh thì việc thực hiện chế độ chính sách cho giáo viên dạy tiếng Chăm cũng rất được quan tâm. Thầy Kinh Duy Trịnh, thành viên nhóm cốt cán chuyên môn tiếng Chăm của Bình Thuận khẳng định: “Bình Thuận là một trong số ít các tỉnh thực hiện chế độ chính sách, phụ cấp cho giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số đúng theo Nghị định số 82/2010/NÐ-CP Quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên. Từ đó thúc đẩy việc dạy học tiếng Chăm trong trường tiểu học ngày càng được quan tâm và chú trọng”.
Cứ vào dịp hè, Sở GD và ÐT lại mở các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực tiếng Chăm cho đội ngũ giáo viên giảng dạy. Việc bố trí giảng dạy được thực hiện theo hai cách, hoặc là cử giáo viên dạy chuyên môn tiếng Chăm, hoặc là phân công cho giáo viên chủ nhiệm lớp kiêm nhiệm dạy tiếng Chăm, vì hầu hết giáo viên ở các trường có đông học sinh là người Chăm đều là người Chăm.
Bình Thuận hiện vẫn còn một số thôn xen ghép ở các huyện Tánh Linh, Hàm Thuận Nam có con em người Chăm chưa được học tiếng mẹ đẻ. Ðây là trăn trở và cũng là nhiệm vụ của ngành giáo dục Bình Thuận phấn đấu trong thời gian tới phải đạt tỷ lệ 100% học sinh tiểu học người Chăm được học tiếng mẹ đẻ. Quá trình thực hiện việc dạy học tiếng Chăm đến nay còn gặp những khó khăn, vướng mắc như: số lượng sách giáo khoa tiếng Chăm do Bộ Giáo dục và Ðào tạo ban hành in có hạn, sau nhiều năm sử dụng, sách hao hụt dần, không đủ cung cấp cho các em vào học sau; sách đọc thêm cho giáo viên, học sinh chưa có hoặc có rất ít. Nhưng bằng sự cố gắng và nỗ lực với tinh thần trách nhiệm cao của các cấp, các ngành chức năng, cũng như tâm huyết của đội ngũ trí thức, giáo viên trong tỉnh tham gia giảng dạy tiếng Chăm, nên chính sách bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết Chăm của Ðảng và Nhà nước ta đã đi vào lòng dân, đi vào cuộc sống, được đồng bào đồng tình ủng hộ, từ đó góp phần nâng cao chất lượng học tập chương trình phổ thông cho học sinh dân tộc thiểu số.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()