Bình Thuận: Phát triển mô hình trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP
Với mục đích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mang lại thu nhập cao cho người nông dân, thời gian qua, ngành chức năng tỉnh Bình Thuận đã triển khai mô hình trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP cho các hộ trồng loại cây này. Mô hình trồng thanh long theo chương trình VietGAP ở Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận (Ảnh: K.V)VietGAP là chữ viết tắt của Vietnamese Good Agricultural Practices, nghĩa là thực hành sản xuất nông nghiệp tốt nhằm tạo ra sản phẩm sạch và an toàn. Bà Đào Thị Kim Dung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây thanh long tỉnh Bình Thuận cho biết, mô hình trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP đãđược Trung tâm quan tâm, chỉ đạo trong suốt thời gian qua. Trung tâm đã tích cực tuyên truyền, vận động các hộ nông dân hiểu và tham gia trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP; chủ động phối hợp với Ban Chỉ đạo các địa phương rà soát và tuyên truyền, vận động bà con thành lập các tổ, nhóm đăng ký làm theo mô hình VietGAP. Kết quả, từ năm 2009 đến nay, nhiều địa...
Với mục đích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mang lại thu nhập cao cho người nông dân, thời gian qua, ngành chức năng tỉnh Bình Thuận đã triển khai mô hình trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP cho các hộ trồng loại cây này.
Mô hình trồng thanh long theo chương trình VietGAP |
VietGAP là chữ viết tắt của Vietnamese Good Agricultural Practices, nghĩa là thực hành sản xuất nông nghiệp tốt nhằm tạo ra sản phẩm sạch và an toàn. Bà Đào Thị Kim Dung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây thanh long tỉnh Bình Thuận cho biết, mô hình trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP đã được Trung tâm quan tâm, chỉ đạo trong suốt thời gian qua. Trung tâm đã tích cực tuyên truyền, vận động các hộ nông dân hiểu và tham gia trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP; chủ động phối hợp với Ban Chỉ đạo các địa phương rà soát và tuyên truyền, vận động bà con thành lập các tổ, nhóm đăng ký làm theo mô hình VietGAP. Kết quả, từ năm 2009 đến nay, nhiều địa phương trong tỉnh đã có số hộ trồng thanh long tham gia ngày càng tăng. Trong đó, huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc đã đạt trên 110% kế hoạch giao, tính chung cả tỉnh đạt trên 100% kế hoạch giao.
Ngay từ khi bắt tay vào triển khai chương trình trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, tỉnh Bình Thuận đã phân công trách nhiệm cụ thể trong việc tư vấn sản xuất và chứng nhận sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn này đến từng ngành, đơn vị chức năng. Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây thanh long tỉnh Bình Thuận đã thường xuyên trực tiếp xuống các địa phương để nắm tình hình từ phía nông dân và từ Ban Chỉ đạo của các địa phương để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con.
Từ những yêu cầu thực tế, ngành chức năng của tỉnh bình Thuận đã có những hỗ trợ trực tiếp, sát với mong muốn của người tham gia trồng thanh long theo mô hình VietGAP, qua đó đưa ra những tư vấn, giúp đỡ người dân có hiệu quả trong quá trình tham gia chương trình. Đến nay, toàn tỉnh đã có 5.000 trên tổng số 17.000 ha thanh long được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, đạt trên 100% kế hoạch tỉnh đề ra.
Bà Đào Thị Kim Dung cũng cho biết thêm, tỉnh Bình Thuận còn hỗ trợ vật tư, thuốc bảo vệ thực vật cho các hộ trồng thanh long theo chương trình VietGAP; đồng thời, hỗ trợ kinh phí tư vấn cho các đối tượng tham gia chương trình như tập huấn nông dân, in ấn tài liệu, phân tích mẫu đất, mẫu nước, mẫu quả… với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.
Để chương trình triển khai đạt hiệu quả cao, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây thanh long tỉnh Bình Thuận đã phối hợp với Viện Bảo vệ thực vật Trung ương triển khai đề tài nghiên cứu biện pháp quản lý ruồi hại quả thanh long trên diện rộng, nhằm nâng cao chất lượng xuất khẩu thanh long. Ngoài ra, đã xây dựng được mô hình trình diễn quản lý ruồi hại quả thanh long trên diện rộng tại xã Hàm Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam.
Xây dựng hệ thống kênh nội đồng phục vụ cho vùng chuyên canh |
Ông Trần Văn Minh, một hộ nông dân trồng thanh long ở xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc cho biết, qua hơn 2 năm triển khai, mô hình trồng thanh long theo chương trình VietGAP đã cho những kết quả bước đầu tương đối khả quan. Nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP nên thanh long phát triển tốt, năng suất đạt khoảng trên dưới 20 tấn/ha/năm. Ông Minh đã có hơn chục năm gắn bó với nghề trồng thanh long. Gia đình có gần 2.000 trụ thanh long. Năm vừa qua, gia đình ông Minh thu hơn 30 tấn quả, trừ hết chi phí còn dư khoảng 200 triệu đồng. Cũng nhờ cây thanh long, nhiều gia đình khác ở các vùng nông thôn trong tỉnh Bình Thuận đã xây cất nhà cửa khang trang, sắm sửa đồ đạc, tiện nghi khá đầy đủ.
Theo ông Minh, trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ giảm được 20-30% chi phí do không dùng thuốc trừ sâu độc hại và giảm được lượng phân bón, sản phẩm cũng an toàn do người trồng phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình bón phân và chăm sóc.
Tuy nhiên, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đòi hỏi công sức phải bỏ ra nhiều hơn, bởi quy trình kỹ thuật chăm sóc hết sức nghiêm ngặt, nếu không tuân thủ đúng thì năng suất và chất lượng trái sẽ rất kém, người trồng sẽ bị thua lỗ.
Để thúc đẩy người trồng thanh long ở Bình Thuận tham gia vào chương trình trồng thanh long theo chương trình VietGAP, địa phương cũng đã có những chính sách đối với các doanh nghiệp tham gia thu mua, đóng gói xuất khẩu thanh long theo tiêu chuẩn đóng gói của VietGAP. Theo đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã tăng cường kiểm tra, đăng ký sơ chế, đóng gói thanh long theo tiêu chuẩn nói trên. Đến nay, ngoài các doanh nghiệp đã xây dựng Nhà đóng gói theo tiêu chuẩn VietGAP, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã hoàn tất các thủ tục để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện để sơ chế thanh long an toàn. Trong đó, có hai nhà đóng gió công nhận đạt chuẩn VietGAP, bốn nhà đóng gói đạt tiêu chuẩn GlobalGAP và tám nhà đóng gói có cơ sở vật chất đạt tiêu chuẩn Hoa Kỳ. Ngoài ra, còn có mười nhà đóng gói được công nhận đủ điều kiện sản xuất an toàn.
Theo ông La Châu Trinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, vài năm gần đây, đời sống của bà con nông dân trong tỉnh đã được cải thiện rõ rệt, nhất là các hộ trồng thanh long theo chương trình VietGAP.
Có thể khẳng định, việc hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu thanh long cải thiện phương thức sản xuất, đạt tiêu chuẩn vietGAP đã mang lại giá trị kinh tế cao cho các hộ trồng thanh long ở Bình Thuận trong thời gian qua. Do vậy, mục tiêu đạt 7.000 ha thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP trong năm 2012 sẽ mang lại hiệu quả kinh tế đáng khích lệ cho nghề trồng thanh long ở Bình Thuận, làm tiền đề cho việc thay đổi phương thức sản xuất theo hướng chất lượng, để thanh long Bình Thuận có mặt rộng khắp trên thị trường quốc tế.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()