Bình Thuận phát triển du lịch trên đảo Phú Quý
Một góc huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận.
Nhằm từng bước xây dựng huyện đảo Phú Quý thành khu du lịch phát triển theo hướng du lịch xanh, tỉnh Bình Thuận mới đây đã ban hành kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển Khu du lịch đảo Phú Quý đến năm 2030.
Theo kế hoạch, tỉnh sẽ triển khai một số dự án quan trọng như: Ðầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, hỗ trợ phát triển du lịch tại làng chài, nuôi hải sản lồng bè Lạch Dù (xã Tam Thanh); nâng cấp các tuyến đường ven biển tương đương đường tiêu chuẩn đô thị cấp 4; nâng cấp các tuyến đường từ các khu di tích, điểm tham quan đến khu trung tâm đảo và cảng Phú Quý; nâng cấp công suất cảng Phú Quý để có thể tiếp nhận tàu 5.000 tấn; đầu tư mới hai tàu cao tốc 200 chỗ ngồi; xây dựng sân bay Phú Quý; triển khai dự án nhà máy lọc nước biển…
Tỉnh Bình Thuận xác định đến năm 2025, Phú Quý trở thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh, đón khoảng 45 nghìn lượt khách/năm, trong đó, khách quốc tế khoảng ba nghìn lượt. Ðến năm 2030, Phú Quý dự kiến đón 74 nghìn lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng sáu nghìn lượt. Ðể đạt mục tiêu phát triển, tỉnh yêu cầu các sở, ngành đề ra nội dung ưu tiên và thứ tự triển khai các nội dung bảo đảm tính khoa học, phù hợp khả năng tài chính, nhân lực. Ðối với những nội dung cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan, đơn vị sẽ phân rõ chức năng chủ trì, chức năng phối hợp và nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị. Tỉnh huy động nguồn tài trợ, viện trợ từ các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài và nguồn kinh phí hợp pháp khác; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để thu hút những dự án mới về du lịch, thể thao biển.
★ Thời gian qua, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã phối hợp các đơn vị tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mở những chiến dịch xử lý mã độc. Nhờ đó, công tác bảo đảm an toàn thông tin có nhiều chuyển biến rõ nét. Trong quý I – 2019, có 1.534 cuộc tiến công mạng nhằm vào các hệ thống thông tin ở Việt Nam, giảm 21,7% so với quý IV – 2018 và giảm 49,8% so với cùng kỳ quý I – 2018.
Theo Báo cáo xếp hạng an toàn, an ninh mạng toàn cầu (GCI) năm 2018 của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), Việt Nam ở vị trí thứ 50 trong 194 quốc gia, vùng lãnh thổ được xếp hạng. Trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam đứng thứ 11 và ở khu vực Ðông – Nam Á, đứng thứ 5. Từ năm 2019, việc đánh giá, công bố mức độ bảo đảm an toàn thông tin mạng trong các cơ quan nhà nước sẽ được Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện định kỳ hằng năm, tiến tới đánh giá an toàn thông tin cho các doanh nghiệp và tổ chức khác trong xã hội. Quý I-2019, Việt Nam có 1,8 triệu địa chỉ IP nằm trong các mạng máy tính ma (mạng máy tính nhiễm vi-rút). Tiến công vào các thiết bị kết nối in-tơ-nét của các tổ chức tài chính, ngân hàng và cơ quan nhà nước đang là xu hướng của tin tặc. Phần mềm gián điệp khi được cài vào hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước đã vượt qua các phần mềm diệt vi-rút, lây lan và nhiễm vi-rút cho các máy tính của cán bộ công tác tại các vị trí trọng yếu.
Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến nghị, để tăng cường khả năng an toàn thông tin mạng của các cơ quan, tổ chức nhà nước, các đơn vị cần bảo đảm an toàn thông tin theo nguyên tắc “bốn tại chỗ” là chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, thiết bị tại chỗ và hậu cần tại chỗ.
Ý kiến ()