Phấn đấu tăng thu ngân sách 7% so với dự toán năm 2011 là một trong những giải pháp mà Chương trình hành động của tỉnh Bình Thuận đã đề ra để thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ. Bình Thuận đang tích cực triển khai các biện pháp quản lý, chống thất thu và bồi dưỡng nguồn thu nhằm khai thác hiệu quả, hợp lý các nguồn thu trên địa bàn tỉnh, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách được giao.Nghề nuôi cá mú bằng lồng bè trên biển ở đảo Phú Quý (Bình Thuận) đạt hiệu quả kinh tế cao.Ngày 1-4, thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh Bình Thuận có quyết định giao chỉ tiêu phấn đấu cho Cục Thuế và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tăng thu thu nội địa 7% so với dự toán mà UBND tỉnh đã giao từ đầu năm 2011. Tương ứng, toàn tỉnh sẽ tăng thu 189 tỷ đồng, nâng dự toán thu cả năm lên 2.889 tỷ đồng. Trong đó, số thu nội địa đã loại trừ các khoản thu từ xổ số kiến thiết, thu phí, lệ phí, thu...
Phấn đấu tăng thu ngân sách 7% so với dự toán năm 2011 là một trong những giải pháp mà Chương trình hành động của tỉnh Bình Thuận đã đề ra để thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ. Bình Thuận đang tích cực triển khai các biện pháp quản lý, chống thất thu và bồi dưỡng nguồn thu nhằm khai thác hiệu quả, hợp lý các nguồn thu trên địa bàn tỉnh, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách được giao.
Nghề nuôi cá mú bằng lồng bè trên biển ở đảo Phú Quý (Bình Thuận) đạt hiệu quả kinh tế cao.
Ngày 1-4, thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh Bình Thuận có quyết định giao chỉ tiêu phấn đấu cho Cục Thuế và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tăng thu thu nội địa 7% so với dự toán mà UBND tỉnh đã giao từ đầu năm 2011. Tương ứng, toàn tỉnh sẽ tăng thu 189 tỷ đồng, nâng dự toán thu cả năm lên 2.889 tỷ đồng. Trong đó, số thu nội địa đã loại trừ các khoản thu từ xổ số kiến thiết, thu phí, lệ phí, thu khác ngân sách, thu cố định tại xã… tăng thêm hơn 150 tỷ đồng và dự toán cả năm nâng lên hơn 2.296 tỷ đồng.
Nỗ lực thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, lĩnh vực thu ngân sách của Bình Thuận đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Theo Cục Thuế Bình Thuận, trong sáu tháng đầu năm nay, tổng thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước gần 4.011 tỷ đồng, đạt hơn 70,1% dự toán thu cả năm và tăng so với cùng kỳ năm 2010 gần 5,6%. Trong đó, thu nội địa ước hơn 1.036 tỷ đồng, đạt hơn 48% dự toán thu của năm 2011 và tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm trước. Riêng huyện miền núi Đức Linh đã thu được hơn 97 tỷ đồng, vượt hơn 14% kế hoạch cả năm 2011 và tăng đến 3,45 lần so với cùng kỳ năm 2010. Đây là tín hiệu đáng mừng, là tiền đề quan trọng để Bình Thuận hoàn thành một trong những chỉ tiêu, kế hoạch quan trọng nhất trong năm 2011 và những năm tiếp theo.
Tỉnh Bình Thuận xác định nguồn thu từ quỹ đất, tài nguyên khoáng sản là những nguồn thu khá quan trọng của tỉnh, nhưng lâu nay, mức độ khai thác các nguồn thu này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thực tế, không ít khoản thu vẫn còn bỏ sót. Do vậy, để chống thất thu thuế, cần tiến hành đánh giá công tác quản lý, khai thác các nguồn thu này, nhanh chóng khắc phục những sơ hở để không bị thất thu. Trước hết, tỉnh nhanh chóng hình thành quỹ đất 'sạch' để tiến hành đấu giá đất đối với các dự án đầu tư nhằm tạo nguồn vốn xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật thiết yếu ở địa phương. Đối với những dự án khai thác tài nguyên, khoáng sản đang triển khai, theo dõi chặt chẽ khối lượng khai thác để quản lý chặt số thu. Những dự án đã hết hạn cấp phép nhưng chưa triển khai thì kiên quyết thu hồi để tổ chức đấu thầu. Cùng với đó, theo dõi, quản lý chặt chẽ việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng dự án hợp pháp để yêu cầu các đối tượng liên quan thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ thuế; kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp chuyển mục đích sử dụng, chuyển nhượng trái phép, cố tình trốn thuế… Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Thuận Nguyễn Văn Tài cho biết: 'Chúng tôi đang tiến hành rà soát, kiên quyết thu dứt điểm số nợ thuế tồn đọng của các tổ chức, cá nhân, đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chống thất thu thuế, nhất là ở các lĩnh vực kinh doanh du lịch, ăn uống, nhà hàng, khách sạn; mua bán quả thanh long; các dự án trồng cao-su, trồng rừng…'.
Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận hiện có ba nhà máy thủy điện hoạt động, nhưng giá tính thuế GTGT giữa các cơ sở này có sự chênh lệch quá lớn. Nhà máy Thủy điện Đại Ninh thuộc Công ty Thủy điện Đại Ninh hạch toán phụ thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), giá tính thuế GTGT được tính bằng 60% giá bán điện thương phẩm bình quân năm trước chưa bao gồm thuế GTGT, doanh nghiệp này kê khai giá là 582,47 đồng/kW giờ. Trong khi đó, Nhà máy Thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi (thuộc Công ty Thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi) là doanh nghiệp hạch toán độc lập với EVN, giá tính thuế GTGT do EVN quy định và hiện tại, doanh nghiệp này đang kê khai thuế GTGT với cơ quan thuế là 250,8 đồng/kW giờ. Tuy nhiên, trong năm 2010, EVN điều chỉnh giá bán điện lên 353,5 đồng/kW giờ để doanh nghiệp không bị lỗ, qua tháng 1-2011, giá bán điện mà doanh nghiệp này kê khai trở lại với mức 250,8 đồng/kW giờ. Còn Nhà máy Thủy điện Bắc Bình thuộc Công ty cổ phần phát triển điện lực Việt Nam, thì hợp đồng mua bán điện với EVN theo hai giá: mùa khô là 705 đồng/kW giờ và mùa mưa là 525 đồng/kW giờ. Từ thực tế này, để bảo đảm thu thuế công bằng, minh bạch, tỉnh Bình Thuận sẽ đề nghị Bộ Tài chính xem xét, hướng dẫn thực hiện thống nhất theo Thông tư số 45/TT-BTC ngày 11-3-2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế GTGT, thuế tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các cơ sở sản xuất thủy điện, nhất là những vấn đề liên quan đến giá tính thuế…
Theo Nhandan
Ý kiến ()