Bình Thuận: Đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận cho biết, tỉnh đã có văn bản chỉ đạo đẩy mạnh việc triển khai Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Bình Thuận đến năm 2020” nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh việc dạy nghề hiệu quả cho lao động nông thôn.
Ảnh minh họa (Nguồn: TTXVN) |
Theo đó, các cơ quan chuyên môn của tỉnh cần phối hợp chặt chẽ trong công tác đào tạo nghề lao động nông thôn. Trong đó, xác định mục tiêu quan trọng của đào tạo nghề phải đa dạng, cụ thể, sát nhu cầu của người dân và thực tiễn sản xuất; từ đào tạo một công đoạn, một kỹ năng nghề nhất định đến đào tạo cấp bằng, chứng chỉ nghề một cách đầy đủ, toàn diện. Đồng thời, chỉ tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn khi xác định được nơi làm việc và có khả năng thu nhập cao hơn sau học nghề…
Trong năm 2015, tỉnh đề ra mục tiêu dạy nghề cho hơn 10.000 người. Riêng lao động nông thôn sẽ tổ chức đào tạo nghề cho khoảng 7.000 người.
Những năm qua, công tác dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã có nhiều kết quả tích cực. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh cũng đã triển khai thực hiện việc tư vấn học nghề và việc làm cho lao động nông thôn; thí điểm các mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với các xã điểm xây dựng nông thôn mới. Nhiều cơ sở dạy nghề đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh – dịch vụ, các xã, phường, thị trấn để tuyển sinh, dạy nghề đáp ứng yêu cầu của thị trường, đảm bảo tỷ lệ lao động có việc làm cao.
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Thuận cho biết: Năm 2014, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã tổ chức đào tạo cho 13.878 người, đạt 106% so với kế hoạch năm, trong đó lao động nông thôn được đào tạo là hơn 10.000 người. Các cơ sở dạy nghề trên địa bàn đã phối hợp với các huyện, thị xã tổ chức các lớp đào tạo nghề theo nhu cầu của người lao động và phù hợp với đặc điểm của địa phương như: trồng thanh long theo chuẩn VietGAP; khai thác cây cao su ở huyện Tánh Linh; chăn nuôi gà thả vườn ở huyện Hàm Thuận Bắc… Bên cạnh đó, các nghề phi nông nghiệp như: may công nghiệp, lễ tân, dinh dưỡng và kỹ thuật nấu ăn cũng thu hút được nhiều lao động nông thôn tham gia.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Hồng, vẫn còn một số địa phương việc triển khai thực hiện công tác dạy nghề chưa đạt yêu cầu nhiệm vụ được giao. Nguyên nhân là do phần lớn trên địa bàn các huyện, thị xã chưa có các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nên một số nghề thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp không thu hút được người lao động tham gia…Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn các huyện tự tuyển lao động phổ thông sau đó đào tạo việc làm tại chỗ và ngại phối hợp với các Trung tâm dạy nghề. Mặt khác, nhiều lao động nông thôn là người dân tộc thiểu số, người thuộc diện chính sách còn ỷ lại những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc học nghề nên công tác vận động, tuyên truyền gặp nhiều khó khăn…
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()