Bình Thuận chủ động ứng phó với tình trạng biển xâm thực
Liên tiếp những ngày qua, do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc mạnh kết hợp với triều cường, gây sóng to, gió mạnh làm sạt lở nghiêm trọng các bờ biển và khu vực dân cư ven biển tại phường Đức Long, xã Tiến Thành, thành phố Phan Thiết; xã Tân Phước, Tân Tiến, thị xã La Gi; thị trấn Liên Hương huyện Tuy Phong…
Tình trạng xâm thực làm sập và hư hỏng gần 50 căn nhà, uy hiếp nhiều nhà dân khác trong khu vực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân ven biển. Hiện tại chính quyền các địa phương đang huy động lực lượng, phương tiện và vật tư tại chỗ cùng với người dân làm kè tạm bằng bao cát, cọc cừ, di dời người đến nơi an toàn.
Để chủ động ứng phó với tình huống gió mạnh, sóng lớn kết hợp triều cường gây sạt lở các khu vực ven biển trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã có văn bản yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố ven biển và các ngành liên quan tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau: chủ động theo dõi thông tin, tình hình thời tiết nguy hiểm, gió mạnh trên biển để có kế hoạch kiểm tra, huy động lực lượng, vật tư tại chỗ để kịp thời hỗ trợ người dân trong việc khắc phục tình trạng sạt lở; bố trí di dời các hộ dân có nhà bị sập đổ đến nơi ở an toàn. Bên cạnh đó đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong khu vực về những nguy cơ bị ảnh hưởng của thiên tai, sạt lở ven biển, chủ động di dời người và tài sản ra khỏi khu vực đang bị uy hiếp trực tiếp, khả năng sạt lở cao để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản. Đồng thời, huy động lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí, trang thiết bị theo phương châm “4 tại chỗ” của địa phương để chủ động ứng phó, xử lý tình huống, phòng tránh kịp thời. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị để chủ động thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ các địa phương ứng phó khẩn cấp tình trạng sạt lở và di dời người dân đến nơi an toàn.
Bình Thuận có chiều dài bờ biển 192km, dọc theo bờ biển có nhiều khu dân cư, đô thị, khu du lịch, cảng cá, bến bãi neo đậu thuyền…Trong những năm gần đây, diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp, hiện tượng triều cường, bão lũ với cường độ ngày càng gia tăng gây ra tình trạng xâm thực sạt lở bờ biển trên địa bàn toàn tỉnh với quy mô ngày càng lớn.
Tại thành phố Phan Thiết, trong 3 năm gần đây tình trạng xâm thực diễn ra khá phức tạp. Mỗi năm vào mùa gió bấc (từ tháng 11 đến tháng 2 âm lịch hàng năm), gió mạnh kết hợp sóng lớn, triều cường dâng cao cuốn trôi hàng trăm mét đất ra biển, gây sạt lở ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. Tại khu phố 3, khu phố 4 phường Phú Hài đoạn bờ biển bị tác động dài khoảng 1.500m, mỗi năm biển lấn từ 2 – 3m. Riêng khu vực nối dài phường Đức Long và thôn Tiến Đức (xã Tiến Thành) là nơi thường xuyên bị biển xâm thực khi có hiện tượng triều cường dâng cao hay bão lũ xảy ra kể từ năm 2007 đến nay. Hiện tại đây có hơn 1.000m bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng, sóng biển làm sập đổ và hư hỏng hoàn toàn hàng trăm căn nhà, cơ sở hạ tầng, chùa, đường giao thông…
Thị xã La Gi là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất của hiện tượng biển xâm thực. Từ năm 2006 đến nay, tình trạng xâm thực ngày càng diễn biến phức tạp, tập trung nhiều nhất ở các bờ biển phường Phước Lộc, Tân Phước, Tân Tiến… Toàn thị xã hiện có hơn 3.000m tuyến bờ biển bị sạt lở, nhiều đoạn ăn sâu vào đất liền từ 80 – 200m. Tình hình xâm thực tiếp diễn với cường độ ngày càng mạnh, uy hiếp trực tiếp đến khu dân cư, đồng muối, khu nuôi tôm, các dự án du lịch…
Tính đến tháng 12/2015, toàn tỉnh đã xây dựng kiên cố được gần 12.000m kè bảo vệ bờ biển. Các công trình kè đã đưa vào sử dụng trong nhiều năm qua ổn định, đảm bảo yêu cầu về nhiệm vụ bảo vệ bờ biển và tạo cảnh quan môi trường, góp phần rất lớn trong việc phát triển kinh tế xã hội cho các khu vực ven biển. Bình Thuận đang gấp rút hoàn thành sớm tuyến kè bảo vệ bờ biển bức xúc nhất để ổn định đời sống của nhân dân ven bờ biển khu vực: củng cố nâng cấp 300m hệ thống đê biển Đức Long – Tiến Đức (thành phố Phan Thiết), 300m kè bảo vệ bờ biển Tân Thuận (Hàm Thuận Nam), 2.500m kè chống xói lở bảo vệ bờ biển đảo Phú Quý… Giai đoạn 2016 – 2020, Bình Thuận sẽ tiếp tục xây dựng dự án kè bảo vệ dân cư Phước Lộc (LaGi), kè chống xâm thực biển nối dài khu phố 5 phường Đức Long, kè bảo vệ bờ biển phường Hàm Tiến (thành phố Phan Thiết)….
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()